Bàn về áp dụng tình tiết ‘Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm’ để xác định ‘phạm tội 02 lần trở lên’

(LSVN) – Việc áp dụng tình tiết “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” để định tội danh hiện còn có vướng mắc trong trường hợp sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm lại tiếp tục nhiều lần thực hiện hành vi đã bị xử phạt.

Tình tiết “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là dấu hiệu định tội của một số tội theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP và các văn bản quy phạm pháp luật khác (như Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP…).

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử vụ án về “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” còn có vướng mắc khi áp dụng tình tiết này để xác định “phạm tội 02 lần trở lên”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, bị cáo có hành vi chiếm đất, đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Bị cáo không chấp hành mà tiếp tục có 02 lần thực hiện hành vi chiếm đất. Vấn đề định tội danh đối với bị cáo hiện có 02 quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, bị cáo phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 228 BLHS, bởi lẽ tình tiết “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” đã được sử dụng là dấu hiệu định tội khi bị cáo có hành vi vi phạm hành chính lần thứ hai. Và do đó, không được sử dụng để được coi là dấu hiệu định tội đối với hành vi vi phạm hành chính lần thứ ba, không được coi là tình tiết định khung hình phạt “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 228 BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng, bị cáo phạm tội theo quy định tại điểm b “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại khoản 2 Điều 228 BLHS. Bởi lẽ, BLHS chỉ có quy định “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng” mà không có quy định “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội thì không được coi là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc dấu hiệu định tội tiếp theo”.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai vì lý do nêu trên. Ngoài ra, bản thân hành vi vi phạm lần đầu bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ là căn cứ chứ chưa phải là dấu hiệu định tội mà phải đi kèm với nó là hành vi vi phạm hành chính lần tiếp theo mới đủ dấu hiệu định tội. Và do đó, hành vi vi phạm lần đầu bị xử phạt vi phạm hành chính có thể được dùng làm căn cứ để xác định dấu hiệu định tội khi bị cáo có hành vi vi phạm lần thứ ba. Và chúng tôi cho rằng, việc áp dụng tình tiết “Phạm tội nhiều lần” đối với bị cáo trong trường hợp này là cần thiết, phù hợp với nguyên tắc phân hóa tội phạm của Luật Hình sự.

Tuy nhiên, thời gian tới liên ngành cấp trên cần ban hành hướng dẫn cụ thể vấn đề này để đảm bảo áp dụng thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Nguồn: VŨ THỊ HÀ PHƯƠNG(Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 2) – Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan