(LSVN) – Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Điều 8 Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP ngày 27/6/2025 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các TAND của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (có hiệu lực từ 01/7).
Theo đó, tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP hướng dẫn xác định tư cách đương sự, kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng nêu rõ, kể từ ngày 01/7/2025, đối với những vụ án, vụ việc mà Tòa án đang giải quyết thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng được xác định như sau:
– Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động mà không có người kế thừa quyền, nghĩa vụ thì cơ quan, tổ chức cấp trên thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng.
Ví dụ: Ngày 15/5/2025, TAND tỉnh Y. thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Đ. (cư trú tại xã H., huyện X., tỉnh Y. sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là xã M., tỉnh T.) với người bị kiện là UBND huyện X., tỉnh Y. về khiếu kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện X., tỉnh Y. cấp ngày 23/10/2024.
Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 23 Nghị định 151/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai thì kể từ ngày 01/7/2025, Chủ tịch UBND xã M., tỉnh T. kế thừa quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch UBND huyện X., tỉnh Y. về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, căn cứ khoản 3 Điều 59 Luật Tố tụng hành chính 2015, Toà án xác định tư cách tham gia tố tụng như sau:
Người bị kiện: UBND huyện X., tỉnh Y. (Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng là UBND xã M., tỉnh T.).
– Trường hợp đương sự là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà cơ quan, tổ chức đó bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyên đôi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì người tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của người đó tham gia tố tụng.
Trường hợp đương sự là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà chức danh đó không còn do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng.
Ngoài ra, cũng theo khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP, kể từ ngày 01/7/2025, đối với vụ án, vụ việc mà Tòa án mới thụ lý thì Toà án xác định cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động theo hướng dẫn nêu trên là đương sự trong vụ án, vụ việc.
Ví dụ: Ngày 03/7/2025, ông H. có đơn khởi kiện ông K. về vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất thuộc thửa số 21 tại xã E., tỉnh C. (trước sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là xã A., huyện B., tỉnh C.), thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND khu vực P., tỉnh C. và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện B. cấp cho ông K. ngày 29/12/2024. TAND khu vực P., tỉnh C. thụ lý vụ án dân sự, trường hợp xem xét hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Toà án phải đưa UBND xã E. vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Nguồn: Minh Quân – Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam
Để lại một bình luận