(LSVN) – Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm đưa ra các tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm hành chính, chứng minh cho quyết định xử phạt (trong đó có quyết định xử phạt tại chỗ) của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đồng thời, cá nhân, tổ chức bị xử phạt cũng có quyền đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh mình không vi phạm. Vì vậy, cá nhân, tổ chức bị xử phạt tại chỗ (không lập biên bản) vẫn có quyền yêu cầu người xử phạt cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc xử phạt là có căn cứ và hợp pháp.
Tại khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính số 88/2025/QH15 ngày 25/6/2025 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2025) có quy định: “1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng đối với các trường hợp sau: a) Xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân, 1.000.000 đồng đối với tổ chức; b) Hành vi vi phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này. 2. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ, thì phải lập biên bản”.
So với quy định cũ (Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì quy định mới đã nâng gấp đôi mức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (từ phạt tiền đến 250.000 đồng lên đến 500.000 đồng đối với cá nhân, và từ đến 500.000 đồng lên đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức). Việc sửa đổi, bổ sung này là phù hợp với thực tiễn, sự biến động về thu nhập, mức sống của người dân, cũng như các hành vi vi phạm có mức phạt tiền nêu trên là các vi phạm ít nghiêm trọng, mức phạt tiền thấp, có thể rút ngọn về trình tự, thủ tục, góp phần đơn giản hóa thủ tục xử phạt, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Mặt khác, tại khoản 3 Điều luật nêu trên vẫn có quy định: “Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ”. Theo quy định này, đối với các trường hợp xử phạt không lập biên bản, thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn phải ra quyết định xử phạt tại chỗ. Do đó, người bị xử phạt vẫn hoàn toàn có thể căn cứ vào quyết định xử phạt này và các tài liệu, chứng cứ khác (nếu có) để thực hiện các quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính, nếu cho rằng quyết định xử phạt là chưa chính xác, không đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Dù không có biên bản vi phạm hành chính nhưng quyết định xử phạt tại chỗ vẫn phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về thẩm quyền, căn cứ, trình tự và thủ tục ban hành theo quy định của pháp luật. Tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 và năm 2025 quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”. Theo quy định này, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm đưa ra các tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm hành chính, chứng minh cho quyết định xử phạt (trong đó có quyết định xử phạt tại chỗ) của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đồng thời, cá nhân, tổ chức bị xử phạt cũng có quyền đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh mình không vi phạm. Vì vậy, cá nhân, tổ chức bị xử phạt tại chỗ (không lập biên bản) vẫn có quyền yêu cầu người xử phạt cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc xử phạt là có căn cứ và hợp pháp.
Về thẩm quyền và thủ tục khiếu nại, hoặc khởi kiện đối với quyết định xử phạt tại chỗ thì vẫn sẽ theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, không có bất kỳ sự khác biệt nào so với việc khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản.
Khi giải quyết vụ việc khiếu nại hoặc vụ án hành chính liên quan đến quyết định xử phạt tại chỗ (không lập biên bản) thì người hoặc Tòa án có thẩm quyền vẫn sẽ phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ của vụ việc, và các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật có liên quan để đánh giá tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định xử phạt tại chỗ (từ thẩm quyền, căn cứ cho đến trình tự, thủ tục ban hành quyết định xử phạt). Do đó, người dân không nên lo lắng về việc không có căn cứ để khiếu nại hoặc khởi kiện đối quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ (không lập biên bản).
Nguồn: Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội – Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam
Để lại một bình luận