Ngày 13/02/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì buổi làm việc với Tổ biên tập dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, trên cơ sở Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV theo trình tự, thủ tục rút gọn, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị, thực hiện các hoạt động xây dựng dự thảo và dự kiến ban hành 03 nghị định gồm: (i) Nghị định chung quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật (phần xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật); (ii) Nghị định về kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; (iii) Nghị định quy định về các vấn đề liên quan đến tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Để xây dựng các nghị định trên, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã tiến hành rà soát dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đang trình Quốc hội và phân công các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp xây dựng các nghị định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Tại buổi làm việc, các thành viên Tổ biên tập đã cùng thảo luận và cho ý kiến đối với những vấn đề như: cần phải xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức liên quan đến công tác xây dựng pháp luật như Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính… trong các khâu tham vấn, thẩm định, góp ý… văn bản quy phạm pháp luật; kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia, tổ chức thi hành pháp luật… và cần có cơ chế tài chính đặc thù đối với các nội dung liên quan đến đầu tư, phát triển ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật…
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thống nhất với đề xuất ban hành 03 nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chủ trì soạn thảo cần khẩn trương triển khai theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, dự kiến trình 03 dự thảo nghị định vào ngày 15/3/2025.
Đối với nội dung về hướng dẫn thi hành Luật, Bộ trưởng đề nghị đơn giản hóa quy trình, trình tự, thủ tục, biểu mẫu; đầu tư nhiều hơn vào nội dung liên quan đến chính sách quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Đây là nội dung có nhiều điểm mới, những điểm tác động đến chất lượng của dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) thì phải quy định chi tiết để dễ tổ chức thực hiện và bảo đảm hiệu quả.
Đối với trách nhiệm của các cơ quan tham gia thẩm định, Bộ trưởng đề nghị xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thẩm định. Về các nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh giao Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý xác định những nội dung có cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, cho ý kiến về các cơ chế đặc thù liên quan đến tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, tài chính, nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị cần xác định rõ hơn về nội dung thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; các hình thức thẩm định, trường hợp nào thành lập Hội đồng thẩm định, thành phần tham gia và trách nhiệm của các cơ quan bắt buộc tham gia./.
Nguồn: Hoàng Trung – Tạp chí Dân chủ và Pháp luật – Bộ Tư pháp
Để lại một bình luận