Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày một số nhận định về những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2023, từ đó, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác bồi thường nhà nước năm 2024.
1. Những kết quả đạt được trong công tác bồi thường nhà nước trong năm 2023
Trong năm 2023, công tác bồi thường nhà nước nói chung và các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bồi thường nhà nước (theo hướng dẫn tại Công văn số 5177/BTP-BTNN và Công văn số 5178/BTP-BTNN ngày 23/12/2022 của Bộ Tư pháp) nói riêng đã được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể:
Với việc Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư số 02/2023/TT-TANDTC ngày 24/8/2023 hướng dẫn thi hành Điều 55 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính của Tòa án thì đến nay, thể chế về trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã được hoàn thiện.
Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác bồi thường nhà nước tại các cơ quan đã có chuyển biến đáng kể. Nhiều cơ quan, nhiều địa phương đã tiếp cận, thực hiện công tác bồi thường nhà nước theo phương châm phòng ngừa là chính thay vì coi công tác bồi thường nhà nước là công việc “sự vụ” và chỉ thực hiện khi có phát sinh yêu cầu bồi thường.
Với phương châm như vậy, ngay từ đầu năm 2023, một số bộ, ngành và 62/63 địa phương đã chủ động ban hành kế hoạch riêng để thực hiện công tác bồi thường nhà nước và ban hành văn bản triển khai nhiệm vụ trọng tâm về công tác bồi thường nhà nước trong lĩnh vực ngành, địa phương mình quản lý. Tại địa phương, trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai công tác bồi thường nhà nước bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả.
Thông qua công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường, có thể thấy rằng, nhiều cơ quan, địa phương đã chủ động đổi mới hình thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành thông qua nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân như: Thông qua hội nghị, hội thảo, các cuộc họp giao ban định kỳ, hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, phổ biến qua hệ thống phát thanh, truyền hình; xuất bản sách chuyên đề, sổ tay, cẩm nang về pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước; in, phát hành tờ rơi, tờ gấp[1]; đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, trang điện tử; bản tin tư pháp.
Công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác bồi thường nhà nước tiếp tục được các Sở Tư pháp quan tâm, triển khai. Trong năm 2023, bên cạnh các lớp tập huấn do Bộ Tư pháp tổ chức thì đã có 33 địa phương tổ chức tập huấn riêng hoặc lồng ghép nội dung về bồi thường nhà nước tại các Hội nghị tập huấn công tác tư pháp cho cán bộ, công chức được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước của các cơ quan, đơn vị thuộc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.
Đối với công tác kiểm tra, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và một số địa phương tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về công tác bồi thường nhà nước. Đối với các địa phương, trong năm 2023, 37/63 Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra công tác bồi thường nhà nước hoặc thực hiện kiểm tra lồng ghép trong công tác kiểm tra tư pháp. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giúp cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường kịp thời phát hiện sai sót, nắm bắt đầy đủ tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Thông qua các cuộc kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã hướng dẫn trực tiếp tại buổi kiểm tra, những sai sót, khiếm khuyết đã được phát hiện và rút kinh nghiệm kịp thời. Đặc biệt, trong năm 2023, qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận thấy, có một số vụ việc yêu cầu bồi thường mà người bị thiệt hại mới chỉ có lệnh tạm tha; giấy tờ, tài liệu liên quan đến vụ việc không còn và cơ quan tiến hành tố tụng không có cơ sở để ban hành quyết định đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ điều tra vụ án[2].
Công tác phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước được nhiều địa phương quan tâm thực hiện bài bản và đạt hiệu quả so với năm 2022. Trên cơ sở công văn của Bộ Tư pháp hướng dẫn xây dựng văn bản phối hợp thực hiện công tác bồi thường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[3], tính đến nay, đã có 53/63 tỉnh, thành phố ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng. Hoạt động phối hợp liên ngành đã giúp địa phương tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường, thúc đẩy công tác phối hợp giữa các ban, ngành trong việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
Trong năm 2023, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã thực hiện sơ kết 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Kết quả sơ kết cho thấy, sau 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, các quy định của Luật cùng tinh thần trách nhiệm và sự toàn diện trong việc triển khai, tổ chức thi hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thấy hoạt động quản lý nhà nước, giải quyết yêu cầu bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả đã được thực hiện bài bản, đồng bộ và hiệu quả, Luật đã đi vào cuộc sống. Việc ban hành và tổ chức thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cơ bản đã đạt được mục đích khi ban hành, hoàn thành vai trò, sứ mệnh trong giai đoạn vừa qua, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, đồng thời nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ công chức. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và kết quả tổ chức thi hành đã khẳng định trách nhiệm của nhà nước với nhân dân, giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó góp phần vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu thực thi Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trong năm 2023, về kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường, so với năm 2022, mặc dù số lượng vụ việc giảm (11 vụ việc tương đương 11%)[4] nhưng tổng số tiền bồi thường theo các văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật tăng đáng kể (tăng 13 tỷ 151 triệu 396 nghìn đồng tương ứng với 50%). Số tiền bồi thường được chi trả cho người bị thiệt hại cao hơn năm 2022 là 9 tỷ 720 triệu 947 nghìn đồng tương ứng 67%, đồng thời tỷ lệ số tiền hoàn trả mà người thi hành công vụ gây thiệt hại phải hoàn trả cao hơn gấp hơn 2 lần (tăng 692 triệu 340 nghìn đồng)[5].
Những kết quả trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2023 đã tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, hạn chế các sai phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, nâng cao lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
2. Một số tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường nhà nước và nguyên nhân
2.1. Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bồi thường nhà nước năm 2023 vẫn còn tồn tại một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Việc triển khai pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước của các cơ quan trên địa bàn tỉnh còn chưa đi vào chiều sâu, việc triển khai chủ yếu được thực hiện thông qua lồng ghép với các nội dung khác.
Công tác phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước nhất là việc phối hợp với các cơ quan tố tụng trong việc quản lý nhà nước cũng như giải quyết bồi thường ở cơ quan, một số địa phương còn chưa được kịp thời, chặt chẽ, nhịp nhàng.
Công chức được phân công phụ trách công tác bồi thường nhà nước chủ yếu là kiêm nhiệm, không có tính ổn định, thường xuyên luân chuyển, bên cạnh đó còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ, trong khi đó, quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước là nhiệm vụ phức tạp, đa dạng, đòi hỏi chuyên môn sâu.
Thứ hai, về công tác giải quyết bồi thường
Một số cơ quan giải quyết bồi thường chưa thực hiện nghiêm túc việc gửi các văn bản trong quá trình giải quyết bồi thường cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và Điều 12 Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Các vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự hầu hết xảy ra đã lâu, do đó, việc xác minh thiệt hại gặp nhiều khó khăn do không còn lưu trữ các giấy tờ, tài liệu dẫn đến việc thương lượng giữa người bị thiệt hại và cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thường không thành.
Một số địa phương có phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước, tuy nhiên, các cơ quan ở địa phương tự thỏa thuận, giải quyết bằng các cơ chế khác mà không giải quyết theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Do đó, có thể dẫn đến tình trạng việc thống kê các vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước của các cơ quan không chính xác. Đối với các vụ việc đó, mặc dù hai bên đã tự thỏa thuận giải quyết với nhau nhưng người bị thiệt hại vẫn có thể yêu cầu bồi thường nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
2.2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Một là, về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Nhiều địa phương chưa ban hành văn bản phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan tố tụng ở địa phương trong việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường chưa được nhiều địa phương quan tâm, chủ động thực hiện, chủ yếu là cử cán bộ, công chức tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Tư pháp tổ chức.
Hai là, về công tác giải quyết bồi thường
Ở trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa thống nhất cách hiểu và thực hiện, đồng thời, ở địa phương và một số cơ quan giải quyết bồi thường nhận thức và thực hiện chưa đúng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 về trách nhiệm gửi văn bản trong quá trình giải quyết bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả.
Một số cơ quan giải quyết bồi thường chưa nhận thức và thực hiện đúng quy định về thành phần tham gia quá trình thương lượng giải quyết bồi thường. Do đó, các cơ quan giải quyết bồi thường không mời Sở Tư pháp tham gia vào quá trình thương lượng việc bồi thường.
Theo quy định tại Điều 76 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thì cơ quan giải quyết bồi thường không thu các khoản án phí, phí, lệ phí và các loại phí khác đối với nội dung yêu cầu thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn, đối với các vụ việc, người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường tại Tòa án một số khoản án phí, phí, lệ phí và các loại phí khác và lãi suất chậm trả đối với số tiền nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại.
Theo quy định tại Điều 54, Điều 60, Điều 61, Điều 62, Điều 63 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 thì số tiền bồi thường nhà nước được thực hiện theo thủ tục chi trả tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ mà không thực hiện thủ tục thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2022. Tuy nhiên, có một số cơ quan, sau khi có bản án của Tòa án về giải quyết bồi thường, cơ quan thi hành án vẫn ra quyết định thi hành án.
3. Một số đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác bồi thường nhà nước
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước trong thời gian tới, tác giả xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường vai trò của mình trong chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong phạm vi của bộ, ngành và địa phương mình; quan tâm, tạo điều kiện và bảo đảm các điều kiện cần thiết để các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của mình thực hiện hiệu quả công tác bồi thường nhà nước.
Thứ hai, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong thực hiện các nhiệm vụ về bồi thường nhà nước. Chỉ đạo các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của ngành mình tại địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (đặc biệt là các quy định về: Điều kiện thụ lý vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước; phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; xác định thiệt hại được bồi thường; trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường và việc thi hành bản án, quyết định về giải quyết yêu cầu bồi thường). Đồng thời chỉ đạo các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của mình tại địa phương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương theo đúng nội dung văn bản phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hoặc đã được liên ngành tại địa phương thống nhất ban hành.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần tăng cường vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương, cụ thể:
Chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường và bảo đảm các điều kiện cần thiết để Sở Tư pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường, trong đó chú trọng: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đặc biệt hướng tới các đối tượng là người dân bằng các hình thức phù hợp; tiếp tục tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ về công tác bồi thường nhà nước. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tích cực phối hợp, chỉ đạo các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của mình phối hợp với Sở Tư pháp trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường cũng như trong quá trình giải quyết các vụ việc bồi thường theo đúng nội dung văn bản phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hoặc đã được liên ngành tại địa phương thống nhất ban hành.
Chỉ đạo các cơ quan giải quyết bồi thường kịp thời thụ lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường phát sinh tại địa phương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật./.
Ngọc Linh
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
https://danchuphapluat.vn/giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-boi-thuong-nha-nuoc
[1] Quảng Nam (8.200 Tờ gấp), Ninh Bình (10.000 tờ gấp), Hải Phòng (20.000 tờ gấp), Đà Nẵng (500 bản), Đắk Lắk (in cấp phát tài liệu).
[2] Báo cáo số 100/BC-BTNN ngày 31/8/2023 Báo cáo kết quả Tọa đàm về những khó khăn, vướng mắc trong 05 năm triển khai và tổ chức thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại tỉnh Sóc Trăng. Vụ việc của ông Phạm Văn Hùng ở Cần Thơ (Kết luận số 3772/KL/ĐKTLN ngày 18/8/2023 Kết luận kiểm tra liên ngành công tác bồi thường nhà nước tại thành phố Cần Thơ).
[3] Công văn số 4131/BTP-BTNN ngày 24/10/2022 của Bộ Tư pháp.
[4] Năm 2022 số vụ việc là 103 vụ việc.
[5] Báo cáo số 130/BC-BTP ngày 14/03/2024 của Bộ Tư pháp báo cáo công tác bồi thường nhà nước năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp năm 2024.
Để lại một bình luận