Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) năm 2025”

Hội thảo dự kiến được Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tổ chức sáng ngày 04/7/2025 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) năm 2025 (dự thảo Luật) đồng bộ, thống nhất, minh bạch, có tính khả thi cao, với mục tiêu bảo đảm các bản án, quyết định được thực thi hiệu quả; tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội…

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng lớn nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, trong đó, nhiều văn bản quan trọng đã xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2014, 2022). Sau 15 năm thi hành, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, kết quả hoạt động thi hành án dân sự của thừa phát lại chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết số 75/2025/UBTVQH ngày 26/3/2025 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) năm 2025 (dự thảo Luật) để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025) theo chương trình tại một kỳ họp. Luật được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế; bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được thực thi hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước; tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội.

Với mong muốn tạo diễn đàn nghiên cứu, trao đổi từ các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, có tính khả thi cao, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) năm 2025”.

Hội thảo dự kiến tập trung trao đổi, thảo luận về những nhóm vấn đề chính như: (i) Trình tự, thủ tục theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự; (ii) Đơn giản hóa thủ tục thi hành án và thủ tục hành chính; (iii) Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự; (iv) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; (v) Các vấn đề khác để nâng cao công tác thi hành án dân sự, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Hội thảo có sự tham dự của một số đại biểu Quốc hội; đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; đại diện Sở Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo, công chức, các chức danh tư pháp các cơ quan, đơn vị Viện kiểm sát, công an, kho bạc, ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, đấu giá, luật sư…

Nguồn: Uyên Nhi – Tạp chí dân chủ và pháp luật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan