Ngày 28/6/2025, tại thành phố Lạng Sơn, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Đây là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh giá trị di sản đặc sắc, bảo tồn văn hoá truyền thống, phát huy hiệu quả các giá trị địa chất – địa mạo, văn hoá – lịch sử đặc sắc, đồng thời quảng bá hình ảnh địa phương, xúc tiến du lịch và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực công viên địa chất.
Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của Tổng Giám đốc UNESCO, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất; Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO; Cục Ngoại vụ và Cục Ngoại giao Văn hoá (Bộ Ngoại giao); Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cùng các đơn vị trực thuộc; Trường Đại học Mỏ – Địa chất; các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, khảo cổ, di sản, văn hoá, du lịch; đại diện các tỉnh đã được công nhận CVĐC toàn cầu như Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông; đại diện các Ban Quản lý CVĐC Đồng Văn, Non nước Cao Bằng, Đắk Nông, Phú Yên; các doanh nghiệp lữ hành, du lịch, Câu lạc bộ Hang động Việt Nam; các cơ quan truyền thông, báo chí và đại diện lãnh đạo Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường, gồm ông Bùi Hồng Cường – Viện trưởng và bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Phó Viện trưởng.
Ảnh Viện trưởng Bùi Hồng Cường tham dự buổi lễ
CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn – Viên ngọc mới trên bản đồ địa chất thế giới
Với diện tích lên đến 4.842,58 km², chiếm khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn không chỉ là một vùng đất giàu tiềm năng mà còn là kho tàng di sản địa chất và văn hoá đặc sắc. Đây là khu vực có dấu tích rõ nét về quá trình tiến hóa hàng trăm triệu năm của Trái đất, phản ánh các giai đoạn địa chất khác nhau từ biển cổ đại, hoạt động núi lửa đến kiến tạo karst đặc trưng.
CVĐC sở hữu hệ thống hang động và hố sụt kỳ vĩ, trong đó nổi bật là Hang Ngườm Moóc, Hố sụt Thẩm Lũm, Hố sụt Ùng Roặc – những công trình tự nhiên không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà thám hiểm, các nhà nghiên cứu địa chất và du lịch mạo hiểm.
Bên cạnh giá trị địa chất, khu vực còn nổi bật với đa dạng sinh học đặc hữu và hệ sinh thái nguyên sinh quý giá như Khu Dự trữ thiên nhiên Hữu Liên, nơi sinh sống của nhiều loài động – thực vật quý hiếm. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch học đường và du lịch trải nghiệm thiên nhiên bền vững.
Hướng tới phát triển bền vững, hội nhập và bảo tồn di sản
Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn
Lễ đón nhận Danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO là bước ngoặt quan trọng đánh dấu vị thế của Lạng Sơn trên bản đồ du lịch và khoa học thế giới. Từ đây, địa phương có điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, kêu gọi tài trợ từ các tổ chức trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản địa chất, tự nhiên và văn hoá.
Việc Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu không chỉ khẳng định nỗ lực và quyết tâm của chính quyền tỉnh trong công tác quy hoạch – bảo tồn – phát triển, mà còn là lời mời gọi cởi mở tới cộng đồng quốc tế cùng chung tay gìn giữ và khai thác bền vững những giá trị quý giá mà thiên nhiên và lịch sử để lại.
Văn Phòng Viện
Để lại một bình luận