Nhóm tội phạm có tổ chức theo quy định Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam

(LSVN) – Những năm gần đây, tình hình hoạt động của các nhóm tội phạm ở Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội ngày càng phức tạp, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, tình hình trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, các nhóm tội phạm này không chỉ mở rộng quy mô trong lãnh thổ Việt Nam mà còn liên kết, với các tổ chức tội phạm quốc tế, tạo thành các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đe dọa đến an ninh khu vực, toàn cầu. Đứng trước tình hình trên, mỗi quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế phải thiết lập khung pháp lý chung trên phạm vi toàn cầu để đấu tranh phòng, chống hiệu quả loại tội phạm này.

Ngày 08/6/2012, Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Việc phê chuẩn này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định tại Công ước, bao gồm việc tội phạm hóa các hành vi liên quan đến nhóm tội phạm và hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm. Pháp luật Hình sự Việt Nam đã bổ sung quy định về nhóm tội phạm và hành vi thành lập, gia nhập nhóm tội phạm tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc bổ sung này đánh dấu một bước tiến rõ rệt trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Hiện nay, khái niệm về “nhóm tội phạm có tổ chức” vẫn chưa được định nghĩa cụ thể, phản ánh đầy đủ tính chất, dấu hiệu đặc về về cấu trúc, hoạt động và những vấn đề nảy sinh khác trong thực tiễn phòng, chống tội phạm có tổ chức.

Bài viết dưới đây sẽ nghiên cứu về thuật ngữ “nhóm tội phạm và hành vi thành lập, gia nhập nhóm tội phạm” trên cơ sở so sánh với Công ước và kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật Hình sự, đáp ứng các yêu cầu đấu tranh phòng, chống các nhóm tội phạm.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

1. Quy định về nhóm tội phạm có tổ chức theo quy định của Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

Thuật ngữ “organized criminal group” được quy định tại Điều 2 của CTOC như sau:“Nhóm tội phạm có tổ chức nghĩa là một nhóm cơ cấu, có từ ba người trở lên, tồn tại trong một thời gian, hành động nhịp nhàng với nhau nhằm mục đích thực hiện một hoặc một số tội phạm nghiêm trọng, được xác lập phù hợp với quy định tại Công ước này, để thu được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp một lợi ích tài chính hoặc lợi ích vật chất khác.”

Dựa vào khái niệm trên, có thể rút ra được một số đặc điểm của “nhóm tội phạm có tổ chức” như sau: Đầu tiên, là về số lượng người tham gia vào nhóm. Theo đó, số lượng người trong “nhóm tội phạm có tổ chức” là nhóm cơ cấu từ ba người trở lên. Bởi lẽ, nhóm cơ cấu thường sẽ có sự phân hóa vai trò của từng thành viên trong quá trình thực hiện tội phạm. Vì vậy, nhóm không thể chỉ có hai người.

Song song đó, với mục đích là thực hiện tội phạm để trực tiếp hoặc gián tiếp đạt được lợi ích về tài chính hay lợi ích vật chất khác, lấy việc phạm tội để tồn tại. Do đó, khi đứng trước những tình huống khó khăn, quan trọng, cần quyết định trong gang tấc về việc có tiếp tục thực hiện tội phạm thì cần có sự tham gia của ít nhất ba người trở lên mới thể hiện được ý chí của số đông và buộc những người còn lại phải nghe theo. Việc quy định cụ thể số lượng người, CTOC đã tạo sự thống nhất về cách hiểu, tạo điều kiện có các quốc gia thành viên áp dụng vào thực tiễn quốc gia mình dễ dàng hơn.

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức và thời gian tồn tại, “nhóm tội phạm có tổ chức” là nhóm cơ cấu từ ba người trở lên và tồn tại trong thời gian nhất định. Nhóm cơ cấu: Theo UNODC, nhóm cơ cấu phải được hiểu theo nghĩa rộng, là nhóm tồn tại nhịp nhàng trong một thời gian, có thể có cấu trúc dọc phân cấp hoặc cấu trúc phức tạp khác, cũng như các nhóm không phân cấp, trong đó vai trò của các thành viên trong nhóm không được chỉ định chính thức. Một nhóm cấu trúc không cần thiết phải có hình thức tổ chức, với một cấu trúc duy trì được thành viên và xác định rõ vai trò, chức năng của từng thành viên. Tuy nhiên, nó phải được tạo thành một cách ngẫu nhiên để thực hiện hành vi phạm tội ngay lập tức.

Về thời gian tồn tại, do nhóm cơ cấu phải được hình thành một cách ngẫu nhiên theo cấu trúc dọc phân tầng hoặc cấu trúc ngang dàn trải nên nhóm tội phạm sẽ tồn tại trong một thời gian nhất định, không thể xác định cụ thể bởi thời gian tồn tại này sẽ tùy thuộc vào hoạt động phạm tội của nhóm tội phạm. Tuy nhiên, các nhóm tội phạm thường có phạm vi hoạt động xuyên quốc gia và thường xuyên ảnh hưởng nhiều quốc gia cùng một lúc nên các nhóm này thường có thời gian tồn tại tương đối lâu dài.

Thứ ba, về mục đích phạm tội. “Nhóm tội phạm có tổ chức” có mục đích nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp đạt được lợi ích tài chính hay vật chất khác. Như vậy, “nhóm tội phạm có tổ chức” sẽ không bao gồm các nhóm tội phạm mà không tìm kiếm bất kỳ lợi ích về tài chính hay lợi ích vật chất nào khác. Các nhóm tội phạm có tổ chức như nhóm khủng bố hoặc nhóm nổi loạn sẽ không thuộc phạm vi của “nhóm tội phạm có tổ chức”, với điều kiện là các mục tiêu của họ hoàn toàn phi vật chất. Tuy nhiên, CTOC vẫn có thể áp dụng đối với các tội phạm mà những nhóm đó thực hiện trong trường hợp phạm những tội theo quy định của Công ước. Điển hình là các nhóm phạm tội cướp tài sản để nâng cao lợi ích tài chính và vật chất[1]. Việc giới hạn phạm vi mục đích vật chất mà không đề cập tới các lợi ích khác như lợi ích chính trị là có cơ sở khoa học đúng đắn vì trong thế giới đa cực, đa quốc gia các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc khó có thể đồng thuận với nhau về mục đích chính trị của nhóm tội phạm có tổ chức[2].

Thứ tư, “nhóm tội phạm có tổ chức” theo CTOC được thành lập để thực hiện một hay nhiều “tội phạm nghiêm trọng” hoặc các hành vi phạm tội khác. Tại Điều 2 CTOC có quy định rõ “tội phạm nghiêm trọng là hành vi phạm tội có thể bị trừng phạt bởi hình phạt tù ít nhất là 04 năm hoặc hình phạt khác nặng hơn”. Như vậy, Công ước xác định “tội phạm nghiêm trọng” dựa vào giới hạn tối thiểu của mức hình phạt mỗi quốc gia. Tuy nhiên quy định về “tội phạm nghiêm trọng” ở pháp luật hình sự mỗi quốc gia sẽ khác nhau, tùy thuộc vào truyền thống pháp luật quốc gia và điều kiện cụ thể. Do đó, tài liệu hướng dẫn của UNODC có giải thích rằng không yêu cầu một quốc gia thành lập một định nghĩa về tội phạm nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự quốc gia. Cần lưu ý rằng, nếu các quốc gia thành viên muốn quy định các hành vi phạm tội khác với một nhóm tội phạm theo Điều 5, 6, 8 và 23 của Công ước, phải đảm bảo rằng các hình phạt được cung cấp đáp ứng các điều kiện của định nghĩa về nhóm tội phạm của CTOC.

2. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các hành vi tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức

2.1. Hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội

BLHS năm 1985 lần đầu tiên đưa ra khái niệm đồng phạm, các loại người đồng phạm và hình thức phạm tội có tổ chức. Theo đó, phạm tội có tổ chức còn được Bộ luật quy định là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Quy định về phạm tội có tổ chức được giữ nguyên tại BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Tiếp đến, tại Bộ luật Hình sự năm 2015 thuật ngữ “nhóm tội phạm” và hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm lần đầu tiên được ghi nhận. Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 BLHS năm 2015, hành vi “thành lập, tham gia nhóm tội phạm” là một trong ba nhóm hành vi chuẩn bị phạm tội, bao gồm: “1. Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a, khoản 2 Điều 229 của Bộ luật này”.

Về quy định này, đã có các cách giải thích khác nhau. Có giải thích cho rằng “hành vi thành lập và hành vi tham gia nhóm tội phạm là hành vi cần thiết cho sự hình thành nhóm có mục đích thực hiện tội phạm cụ thể, việc quy định này với ý nghĩa là một loại hành vi chuẩn bị phạm tội không liên quan đến vấn đề “tổ chức tội phạm” hay “phạm tội có tổ chức” được quy định trong luật hình sự quốc tế cũng như trong luật hình sự một số quốc gia khác”. Quan điểm này không đồng nhất với quan điểm của các nhà làm luật được thể hiện tại Tờ trình về dự án Bộ luật hình sự. Theo Tờ trình số 186/TTr-CP ngày 27/4/2015 thì “việc bổ sung hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm nhằm nội luật hóa các quy định có liên quan đến điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm. Quy định này tạo cơ sở pháp lý để chủ động ngăn chặn sớm tội phạm, đồng thời phù hợp với tinh thần của Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà nước ta là thành viên”.[3]

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 BLHS năm 2015 quy định về trường hợp một người có hành vi thành lập một nhóm tội phạm mới hoặc tham gia vào một nhóm tội phạm đã thành lập từ trước đó thì hành vi này đều bị xem là hành vi khách quan của tội phạm ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Việc bổ sung như trên là hoàn toàn hợp lý vì hành vi thành lập hay hành vi tham gia là các hành vi cần thiết trong việc hình thành và hỗ trợ các nhóm tội phạm với mục đích phạm tội đã được xác định cụ thể, đây có thể được xem là trường hợp tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tội phạm[4].

Tuy nhiên, BLHS năm 2015 lại không quy định cụ thể thế nào là hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm. Qua tham khảo một số tài liệu, có thể hiểu hành vi thành lập nhóm tội phạm là hành vi hướng đến việc hình thành, tồn tại và phát triển của nhóm tội phạm như: vận động, cưỡng bức, lôi kéo người khác vào nhóm tội phạm, xây dựng cơ cấu nhóm tội phạm; hành vi tham gia nhóm tội phạm là hành vi tự nguyện gia nhập nhóm tội phạm. Cần lưu ý rằng hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm theo quy định tại BLHS NĂM 2015 là hành vi để thực hiện một tội phạm cụ thể thì mới được coi là hành vi chuẩn bị phạm tội. Trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của BLHS năm 2015 do có tính nguy hiểm đáng kể nên nhà làm luật đã quy định thành tội danh độc lập.

Tại BLHS năm 2015 cũng tồn tại hành vi của người tổ chức trong đồng phạm và hành vi khách quan của các tội phạm có hành vi tổ chức. Vì vậy, cần phân biệt hai hành vi này với hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm có tổ chức theo quy định của CTOC.

2.2. Hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm trong một số tội danh

Trong Phần các tội phạm của BLHS năm 2015 có ba điều luật quy định hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm để thực hiện tội phạm: Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân); điểm a khoản 2 Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) và điểm a khoản 2 Điều 299 (Tội khủng bố).

Thứ nhất, tại Điều 109 BLHS năm 2015 quy định về Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, theo đó hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm lật đổ chính quyền nhân dân được coi là hành vi khách quan của cấu thành tội phạm này. Chỉ cần thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là tội phạm đã hoàn thành (cấu thành hình thức mà khoa học luật hình sự gọi là cấu thành cắt xén).

Thứ hai, tại điểm a khoản 2 Điều 113 quy định về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và điểm a khoản 2 Điều 299 quy định về Tội khủng bố cũng được quy định là hành vi khách quan cấu thành tội phạm nhưng là cấu thành tăng nặng[5]. Không cần đến khi thực hiện tội phạm, hành vi thành lập, tham gia vào các nhóm tội phạm này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định về ba điều luật trên cho thấy, chỉ cần thực hiện hành vi tham gia hoặc thành lập nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tổ chức khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân hoặc tham gia, thành lập nhóm khủng bố là đã phạm tội mà không cần có hành vi lật đổ chính quyền nhân dân, khủng bố hoặc khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Đây là quy định mới của BLHS năm 2015 nhằm tội phạm hóa hành vi tham gia, thành lập nhóm tội phạm, hoàn toàn phù hợp với quy định của CTOC, thể hiện được ý nghĩa ngăn ngừa tội phạm ngay từ hành vi tham gia hay thành lập nhóm tội phạm.

3. So sánh các quy định của pháp luật Việt Nam với các quy định của Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia

3.1 Điểm tương đồng

So sánh với CTOC, pháp luật hình sự nước ta có nhiều điểm tương đồng với pháp luật hình sự quốc tế trong việc quy định về nhóm tội phạm có tổ chức.

Pháp luật hình sự Việt Nam đã phần nào đáp ứng được các yêu cầu của CTOC về hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm có tổ chức. Chi tiết trong phần các tội phạm của BLHS hiện hành đã có quy định cho phép xử lý hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm nếu nhóm tội phạm đó được thành lập với mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, khủng bố hoặc khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Bên cạnh đó, đối với một số tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm, các nhà làm luật đã đặt ra trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với hành vi cả các nhóm tội phạm khi nhóm này thực hiện một tội phạm cụ thể mang dấu hiệu “có tổ chức”. Trên thực tế, nếu vụ án có tình tiết “phạm tội có tổ chức” nhưng điều luật áp dụng không quy định “phạm tội có tổ chức” là tình tiết định khung tăng nặng thì người phạm tội phải gánh chịu tình tiết tăng nặng được quy định trong điểm a khoản 1 Điều 52 BLHS.

3.2 Điểm khác biệt

Mặc dù có một số điểm tương đồng, nhưng hiện tại pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành vẫn còn những khác biệt nhất định so với quy định của CTOC về nhóm tội phạm có tổ chức. Hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm được BLHS 2015 quy định là một trong ba nhóm hành vi chuẩn bị phạm tội, đồng nghĩa với việc nhà làm luật cho rằng phạm tội có tổ chức chỉ thể hiện tính nguy hiểm khi những người đồng phạm câu kết với nhau từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội cụ thể cho đến khi tội phạm hoàn thành. Tuy nhiên, theo quy định của CTOC thì nhóm tội phạm đã bộc lộ tính nguy hiểm khi các đối tượng liên kết với nhau để mong muốn cùng nhau thực hiện tội phạm nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác mà chưa cần thiết bắt tay vào việc thực hiện tội phạm cụ thể.

4. Một số kiến nghị hoàn thiện

Việc tội phạm hóa hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức không chỉ là nghĩa vụ quốc gia thành viên khi tham gia Công ước mà còn tạo ra sự tương thích về mặt lập pháp với các quốc gia khác trên thế giới vì Bộ luật hình sự các quốc gia trên thế giới theo xu hướng tăng cường đấu tranh phòng, chống nhóm tội phạm có tổ chức đều quy định hành vi thành lập hay tham gia tổ chức tội phạm là một tội phạm như: Điều 210 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga; Điều 294 Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa…

Qua nghiên cứu các quy định của CTOC và pháp luật hình sự Việt Nam, tác giả có một số đề xuất như sau:

Một là, bổ sung quy định về hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm tại Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự năm 2015 là một tội phạm độc lập.

Bởi lẽ, xuất phát từ thực tiễn hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam chưa thể xử lý triệt để các nhóm tội phạm này. BLHS năm 2015 chỉ cho phép xử lý các đối tượng trong nhóm đồng phạm về những tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS. Nếu không phải là Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội khủng bố; Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân thì không thể áp dụng các quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự của các đối tượng trong nhóm tội phạm cùng liên kết với nhau để thực hiện tội phạm nói chung mà chỉ áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tổ chức” để xử lý những tổ chức tội phạm này. Như vậy, quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh với những nhóm tội phạm có tổ chức. Việc quy định điều luật về hành vi thành lập, tham gia tổ chức tội phạm phải đảm bảo quy định hành vi thành lập, tham gia tổ chức tội phạm phải đảm bảo các yếu tố cấu thành tội phạm về khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể. Về vị trí, có thể thấy quy định về tội thành lập, tham gia nhóm tội phạm có tổ chức nên được quy định tại Chương XXI – Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, mục “Các tội xâm phạm trật tự công cộng” và đặt thành điều luật ngay sau tội Gây rối trật tự công cộng. Cụ thể, tác giả kiến nghị bổ sung vào Mục 4 – Các tội phạm khác xâm phạm trật tự công cộng điều luật có nội dung như sau:

“Điều 318a. Tội thành lập hoặc tham gia tổ chức tội phạm”

1.Người nào thành lập tổ chức tội phạm thì bị phạt từ bảy đến mười lăm năm tù. Người tham gia tổ chức tội phạm thì bị phạt từ ba đến năm năm tù.

2.Nếu người thành lập hoặc tham gia còn thực hiện một tội phạm cụ thể khác được quy định trong Phần các tội phạm của bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng theo điều luật đó”.

Trong quy định này, hình phạt đối với hành vi thành lập nhóm tội phạm sẽ nghiêm khắc hơn hình phạt đối với hành vi tham gia nhóm tội phạm. Sự phân hóa này là cần thiết dựa trên tính chất nguy hiểm của từng hành vi. Bên cạnh đó, nên học tập quy định của các nước khi quy định người tham gia, thành lập nhóm tội phạm còn thực hiện một tội phạm cụ thể khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm cụ thể đó.

Hai là, quy định tình tiết “do tổ chức tội phạm thực hiện” là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội phạm cụ thể. Việc bổ sung tình tiết “người phạm tội là thành viên của tổ chức tội phạm” định khung tăng nặng phải dựa vào các căn cứ như: tội phạm thường do nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện; phương thức thực hiện bởi các tổ chức tội phạm xảy ra nhiều trong thực tế, có tính nguy hiểm cao cho xã hội. Đồng thời, đây là những trường hợp mà Bộ luật hình sự hiện hành đã rà soát, nghiên cứu đưa ra những tội phạm có tình tiết định khung tăng nặng là “phạm tội có tổ chức”.

Nguồn: Phạm Minh Đô (Tòa án Quân sự Quân khu 7) – Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

[1] Nguyễn Thị Phương Hoa, Bùi Đình Tiến (2016), Nội luật hóa các quy định của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, tr.55.

[2] Bùi Đình Tiến (2010), Luật văn thạc sĩ Luật học, Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc đối với nhóm tội phạm có tổ chức, TP. Hồ Chí Minh, tr.12.

[3] Lê Thị Sơn (2017), “Những điểm mới trong quy định của Bộ luật hình sự 2015 về các giai đoạn thực hiện tội phạm”, Tạp chí Luật học, số 3-2017, tr. 83-84.

[4] Nguyễn Thị Phương Hoa, Phan Anh Tuấn (2017), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015,sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb Hồng Đức, tr.22.

[5] Đinh Văn Quế (2017), Bình luận Bộ luật hình sự 2015, Nxb. Thông tin và Truyền thông, tr.106.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan