Những công dân bình dị, lặng lẽ, âm thầm trên hành trình ‘Đi tìm liệt sỹ’

(Chinhphu.vn) – Chiến tranh tuy đã lùi xa, đất nước hòa bình, thống nhất, nở hoa độc lập, kết trái tự do, vươn mình phát triển nhưng nhiều nỗi đau do chiến tranh để lại vẫn còn đó! Một trong những nỗi đau không thể không nhắc đến đó là còn hàng trăm nghìn liệt sỹ vẫn chưa tìm thấy được thông tin, hài cốt để quy tập. Với tất cả lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của thế hệ sau đối với những người đi trước đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hành trình “Đi tìm liệt sỹ” đã và đang được các cấp, các ngành nỗ lực triển khai thực hiện và trong hành trình vì nghĩa cử cao đẹp ấy, có sự đóng góp âm thầm, lặng lẽ nhưng rất thiết thực, hiệu quả của những công dân bình dị.

Những công dân bình dị, lặng lẽ, âm thầm trên hành trình ‘Đi tìm liệt sỹ’- Ảnh 1.

Dù việc tìm kiếm mộ của cậu ruột là liệt sỹ đến nay vẫn chưa thành, nhưng anh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong quá trình tìm kiếm, anh đã thu thập được khá nhiều thông tin để giúp các cơ quan chức năng, các gia đình liệt sỹ khác tìm được thân nhân là liệt sỹ của mình – Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Với lòng thành kính, thành tâm, sự tri ân sâu sắc đối với các Anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu dũng cảm ngoan cường, anh dũng hy sinh vì nền độc lập lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân, anh Nguyễn Xuân Thắng, kiến trúc sư (ngụ tại phường Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) và anh Lâm Hồng Tiên, kỹ sư xây dựng cầu đường (ngụ tại phường Láng, Thành phố Hà Nội) đến với nghĩa cử cao đẹp – hành trình “Đi tìm liệt sỹ” như một lẽ tự nhiên mà nhiều người dân bình dị khác trên trên mọi vùng miền đất nước cũng đã và đang làm.

Cùng hoàn cảnh giống như nhiều gia đình khác trên khắp mọi miền của Tổ quốc có người thân hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh Nguyễn Xuân Thắng và anh Lâm Hồng Tiên đều đi tìm người thân là liệt sỹ. Người thì biết được sơ sài thông tin thân nhân của mình là liệt sỹ hy sinh tại Quảng Nam, người thì không tìm được bất cứ một chút thông tin nào về liệt sỹ là người thân của mình.

“Từ việc tìm kiếm thông tin về người bác ruột của mình là liệt sỹ, tôi đã tìm hiểu và phát hiện tại Đại học công nghệ Texas (Mỹ) có kho lưu trữ khoảng khoảng 2,6 triệu trang ảnh chụp giấy tờ của bộ đội Việt Nam bị quân đội Mỹ chiếm giữ trong chiến tranh, trong đó tôi thấy có rất nhiều thông tin về liệt sỹ. Các thông tin liên quan đến liệt sỹ và trận đánh tôi thường đưa lên Webblog Kyvatkhangchien.com để nếu có ai đó đi tìm thì họ có thể tiếp cận, tìm thấy thông tin về liệt sỹ là người thân của mình. Lần đầu tiên, vào tháng 10/2016, hai anh em chúng tôi trao đổi với nhau để tìm thông tin về diễn biến trận đánh, phiên hiệu đơn vị và liệt sỹ bộ đội Việt Nam hy sinh tại đầu Đông sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968 sau khi anh Nguyễn Xuân Thắng nhận được thông tin về vị trí mộ tập thể liệt sỹ từ cựu chiến binh Mỹ”, anh Lâm Hồng Tiên chia sẻ.

Dù việc tìm kiếm mộ của cậu ruột là liệt sỹ đến nay vẫn chưa thành, nhưng anh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, anh và anh Lâm Hồng Tiên trong quá trình tìm kiếm, đã thu thập được khá nhiều thông tin để chia sẻ, giúp các cơ quan chức năng, các gia đình liệt sỹ khác tìm được thân nhân của mình.

Những công dân bình dị, lặng lẽ, âm thầm trên hành trình ‘Đi tìm liệt sỹ’- Ảnh 2.

Trong hành trình “Đi tìm liệt sỹ”, anh Lâm Hồng Tiên cho biết, các anh gặp nhiều thuận lợi, nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng – Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Trong gần 10 năm qua, từ những tư liệu của quân đội Mỹ được lưu tại Đại học công nghệ Texas và nguồn tin của cựu chiến binh Mỹ, cựu chiến binh Úc, nhóm các anh đã tổng hợp được một danh sách khoảng hơn 200 trận đánh có mộ tập thể với số liệt sĩ được ghi nhận là khoảng 3 vạn người cùng với hàng chục nghìn điểm có thông tin giao chiến giữa quân đội Mỹ, đồng minh với các đơn vị bộ đội của Việt Nam tại miền Nam và Campuchia.

Từ thông tin ban đầu là danh sách hơn 200 trận đánh kể trên, anh Nguyễn Xuân Thắng và anh Lâm Hồng Tiên đã tổng hợp thông tin từ các báo cáo, ghi chép trận đánh của cả hai phía là quân đội Mỹ và quân đội nhân dân Việt Nam, các sơ đồ, chiến lệ, ảnh chụp giấy tờ của bộ đội Việt Nam bị chiếm giữ và lưu trữ tại Đại học công nghệ Texas (Mỹ), tìm dấu vết của trận đánh và mộ tập thể trên ảnh vệ tinh cũ, xử lý đưa ra tọa độ, giới hạn khu vực tìm kiếm trên không ảnh trước khi chuyển cho cơ quan chức năng.

“Công việc của chúng tôi đang làm là khoa học, dựa trên các dữ liệu, dữ kiện và nguồn tin rất đáng tin cậy của các nhân chứng. Để có được danh sách này, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn của nhiều người, đó là các cựu chiến binh của Việt Nam, của các cơ quan đoàn thể, các anh chị em tình nguyện viên, đặc biệt là những cựu chiến binh Mỹ, cựu chiến binh Úc đã tham chiến tại Việt Nam”, anh Lâm Hồng Tiên cho hay.

Theo anh Nguyễn Xuân Thắng, các cựu chiến binh Mỹ rất nhiệt tình, đã dành thời gian, công sức, tiền bạc để tìm kiếm, thuyết phục những cựu chiến binh Mỹ khác chia sẻ thông tin mà trong số họ nhiều người đã từ lâu họ không muốn nhớ lại ký ức chiến tranh nhưng trong lòng luôn cảm thấy ăn năn, áy náy và thấy mình phải có trách nhiệm làm những việc này để lương tâm được khuây khỏa, nhẹ nhõm đi phần nào. Họ tra cứu tư liệu, rồi gọi hàng trăm cuộc điện thoại và gửi hàng ngàn email để tìm nhân chứng, hay lái xe vượt hơn 500 km giữa mùa đông băng giá để scan ảnh tư liệu, gửi cho các anh. Có người dù vừa phải can thiệp y tế phẫu thuật tim mạch nhưng vẫn ra sức cố gắng, nỗ lực hết mình để giúp các anh tìm các vật chứng, nhân chứng, dấu tích, thông tin về liệt sỹ…

Từ thông tin các anh có được về liệt sỹ, trận đánh, nhiều cựu chiến binh Việt Nam đã rất nhiệt tình phân tích, kết nối chuyển thông tin về liệt sỹ tới thân nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Các cơ quan đoàn thể cũng rất quan tâm, hỗ trợ các anh như Cục Chính sách, Bộ chỉ huy quân sự một số tỉnh thành phố có liệt sỹ hy sinh trong việc tiếp nhận thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, tổ chức xác minh, phân tích, tổ chức hội thảo về trận đánh để củng cố thông tin và triển khai tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tại thực địa.

Những công dân bình dị, lặng lẽ, âm thầm trên hành trình ‘Đi tìm liệt sỹ’- Ảnh 3.

Qua xác minh, đối chiếu của các cơ quan chức năng, sau gần 50 năm, gia đình liệt sĩ Đặng Thành Tuấn đã nhận được bằng Tổ quốc ghi công – Ảnh: NVCC

Trong hành trình “Đi tìm liệt sỹ”, anh Lâm Hồng Tiên cho biết, các anh gặp nhiều thuận lợi, trong đó phải kể đến đó là nguồn thông tin đã được giải mật của quân đội Mỹ tương đối chi tiết, đi kèm theo đó là các bản đồ quân sự Mỹ thời kỳ đó, hệ thống các không ảnh, sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình, tận tụy của các cựu chiến binh Mỹ về thông tin, tài liệu và không ảnh … Tuy nhiên, theo anh Tiên, để kết nối được tất cả những người này với nhau, không thể thiếu được vai trò truyền thông của nhà báo Lê Hoàng Linh (Ban Truyền hình đối ngoại VTV4), người đã thực hiện rất nhiều chương trình và phóng sự bằng tiếng Việt và tiếng Anh về công việc của hai anh, trong đó đặc biệt là phim tài liệu “Mảnh ký ức”. Bộ phim đã phác họa lại hành trình của những cựu binh Mỹ và 2 anh cùng tìm lại ngôi mộ tập thể tại trận địa Xuân Sơn, Bình Định, khi trình chiếu tại Mỹ đã làm lay động trái tim những người cựu chiến binh và gia đình của họ về ý nghĩa cao cả của các hoạt động này, từ đó khiến họ mở lòng, giúp đỡ, hỗ trợ đắc lực cho công tác thuyết phục nhân chứng Mỹ để họ chia sẻ thông tin và lên tiếng một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, các anh chị em tình nguyện khác cũng rất nhiệt tình, đồng hành cùng 2 anh phân tích các thông tin về liệt sỹ, kết nối và chuyển thông tin về liệt sỹ tới các cơ quan chức năng cũng như tới thân nhân liệt sỹ ở mọi vùng miền đất nước. Cùng với đó, các trang thiết bị máy tính, phần mềm hiện đại hiện nay mà chúng ta đang có rất nhiều cũng là những công cụ hữu hiệu cho công việc đi tìm thông tin liệt sỹ của các anh.

Tuy nhiên, chiến tranh đã lùi xa trong thơi gian khá dài, địa hình địa vật thay đổi rất nhiều tại các chiến trường ác liệt; các cựu chiến binh đã già, trí nhớ và sức khỏe giảm sút, hồ sơ tài liệu về các trận chiến còn thiếu, nên các anh cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc đối chiếu, xác định trận đánh, thông tin liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ.

Những công dân bình dị, lặng lẽ, âm thầm trên hành trình ‘Đi tìm liệt sỹ’- Ảnh 4.

Anh Nguyễn Xuân Thắng và anh Lâm Hồng Tiên cùng cựu chiến binh Mỹ trao đổi ở sân bay Lộc Ninh tháng 6/2024 về ngôi mộ chôn tập thể các liệt sỹ. Ảnh: NVCC

“Công việc tìm kiếm của chúng tôi nhiều lúc cũng gặp bế tắc, gặp nhiều áp lực và cảm thấy mệt mỏi. Nhưng cứ nghĩ đến đến hình ảnh những người vợ, người cha, người mẹ, người con… ngày đêm đau đáu ngóng mong, mòn mỏi trông chờ người thân của mình trở về là điều hối thúc chúng tôi tiếp tục cố gắng, nỗ lực, tiến bước trên hành trình đi tìm liệt sỹ”, anh Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ.

Theo anh Lâm Hồng Tiên, trong một số trường hợp, những thông tin mà các anh thu thập, sưu tầm và có được có thể làm thay đổi thân phận của một con người hay là gia đình liệt sỹ. Ví dụ tiêu biểu như trường hợp quân nhân Đặng Thành Tuấn quê Ân Đức – Hoài Ân – Bình Định, là con em miền Nam tập kết ra miền Bắc năm 1955. Từ trước đến giờ, gia đình không có bất cứ một thông tin gì về sự ra đi của ông sau khi đi bộ đội vào năm 1965 và thậm chí còn có những lời xì xào đến với người thân, gia đình như: “Biết đâu ông ấy đã đi theo địch”. Nhưng thật bất ngờ, thông tin mà các anh tìm kiếm được, đó là danh sách liệt sĩ trung đoàn 724 pháo binh bị quân đội Mỹ chiếm giữ tại Tây Ninh tháng 3/1967, trong đó ghi rõ quân nhân Đặng Thành Tuấn, quê quán Ân Đức – Hoài Ân – Bình Định đã anh dũng hi sinh trên đường Hồ Chí Minh vào tháng 8/1966, qua xác minh, đối chiếu của các cơ quan chức năng và sau gần 50 năm, gia đình liệt sĩ Đặng Thành Tuấn đã nhận được bằng Tổ quốc ghi công trong niềm cảm xúc vỡ òa sau bao năm mòn mỏi, chờ mong các thông tin về ông.

Hoặc qua trường hợp của liệt sỹ Trần Huy Liệu quê ở Thái Bình, giấy tờ của liệt sỹ bị quân đội Mỹ chiếm giữ tháng 4/1968, có lưu ảnh chụp tại Đại học công nghệ Texas (Mỹ), thông tin ảnh chụp giấy tờ và địa điểm thu giữ đã được các anh tìm kiếm và các tình nguyện viên chuyển đến với gia đình, để rồi lần đầu tiên vào ngày 11/6/2025 vừa qua, hai người con gái liệt sỹ đã lớn tuổi cùng cháu liệt sỹ lặn lội từ Thái Bình đã đến vùng hồ Dầu Tiếng nơi liệt sỹ hy sinh để thắp nén nhang tưởng nhớ liệt sỹ và các đồng đội của ông hy sinh tại đây.

“Những ví dụ, câu chuyện kể trên là động lực, là niềm cổ vũ to lớn, hối thúc đối với chúng tôi để nỗ lực và cố gắng hơn nữa, tìm ra nhiều cách thức tìm kiếm hơn nữa, góp phần tìm được các thông tin về liệt sỹ, mộ phần liệt sỹ”, anh Lâm Hồng Tiên cho biết.

Từ sự nỗ lực, lao động không ngừng nghỉ, trong gần 10 năm qua, 2 anh Nguyễn Xuân Thắng và Lâm Hồng Tiên cùng nhóm các cựu chiến binh đã cung cấp thông tin, hỗ trợ cơ quan chức năng tìm kiếm thành công rất nhiều các thông tin liệt sỹ, các trận đánh tiêu biểu.

Trong đó phải kể đến, đó là năm 2017, tìm thấy mộ tập thể chôn khoảng 150 liệt sỹ hi sinh ngày 31/01/1968 khi tấn công sân bay Biên Hòa trong Tết Mậu Thân. Năm 2021, tìm thấy mộ tập thể chôn 213 liệt sỹ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 (số liệu báo cáo Mỹ), hy sinh ngày 26/04/1969 trong trận tập kích Căn cứ Mỹ Frontier City ở Long Khánh, Bến Cầu, Tây Ninh. Năm 2022, tìm được 1 trong 2 mộ chôn khoảng 50 liệt sỹ Trung đoàn 22, Sư đoàn 3, hi sinh trong trận tập kích LZ Bird ở Xuân Sơn, Hoài Ân, Bình Định ngày 26/12/1966. Năm 2024, tìm thấy hố chôn với khoảng 20 bộ hài cốt khá nguyên vẹn, họ là liệt sỹ thuộc Sư đoàn 7, hy sinh trong trận tấn công địch tại FSB Balmoral ngày 28/5/1969 tại Bàu Tràm, Bình Mỹ, Tân Uyên, Bình Dương.

Giai đoạn 2024–2025, các anh cũng đã hỗ trợ Đội K72 Bình Phước tìm thấy hơn 140 liệt sỹ ở sân bay Lộc Ninh hy sinh cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 1967 khi tấn công chi khu Lộc Ninh và Trại biệt kích Lộc Ninh, hiện việc hỗ trợ thông tin tìm kiếm ở đây vẫn đang được các anh tiếp tục triển khai thực hiện.

Cùng với đó, các anh còn giúp các cơ quan chức năng và thân nhân liệt sỹ làm rõ phiên hiệu đơn vị từ giấy tờ của bộ đội Việt Nam bị chiếm giữ hoặc trong các báo cáo của quân đội Mỹ, nhằm thu hẹp phạm vi xác định đơn vị bộ đội Việt Nam cũng như danh tính liệt sỹ tại mỗi trận đánh. Các anh cũng đã gửi hàng trăm thông tin về liệt sỹ, ảnh chụp giấy tờ của liệt sỹ đến thân nhân, qua đó giúp các gia đình liệt sỹ xác định được khu vực liệt sỹ hy sinh, thời gian liệt sỹ hy sinh

Những công dân bình dị, lặng lẽ, âm thầm trên hành trình ‘Đi tìm liệt sỹ’- Ảnh 5.

Khi nhận được thông tin, người thân của liệt sỹ Trần Huy Liệu từ Thái Bình đã đến vùng hồ Dầu Tiếng nơi liệt sỹ hy sinh để thắp nén nhang tưởng nhớ liệt sỹ và các đồng đội của ông hy sinh tại đây – Ảnh: NVCC

“Đây là một số kết quả tiêu biểu của chúng tôi nhưng vẫn còn rất nhỏ bé và khiêm tốn. Nhiều trường hợp, chúng tôi gửi thông tin và phối hợp cùng cơ quan chức năng đã tìm kiếm nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả”, anh Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ và cho biết các anh sẽ tiếp tục hoàn thiện phương pháp nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để việc tìm kiếm thông tin liệt sỹ, mộ phần liệt sỹ ngày càng nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn.

Để tiếp tục hành trình vì nghĩa cử cao đẹp này, 2 anh Nguyễn Xuân Thắng và Lâm Hồng Tiên mong muốn, trong chừng mực nào đó được cơ quan chức năng và các đội tìm kiếm chia sẻ thông tin, bản đồ, báo cáo trận đánh lưu tại các đơn vị… để có thể xác định chính xác hơn vị trí mộ các liệt sỹ. Đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng chia sẻ danh sách liệt sỹ của các đơn vị để các anh cùng với nhóm có thể nghiên cứu, giúp phân tích và tổng hợp, sau đó chuyển lại kết quả nghiên cứu tới cơ quan chính sách nhằm tìm kiếm hài cốt liệt sỹ một cách có hệ thống và hiệu quả hơn theo từng tọa độ, thời gian và từng trận đánh cụ thể.

Trước nỗi đau còn day dứt với những người ở lại khi đất nước đã thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do mà còn nhiều liệt sỹ vẫn chưa được tìm thấy và trong nỗ lực chung của hành trình “Đi tìm liệt sỹ” mà các cấp chính quyền, toàn quân, toàn dân đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện, những tấm lòng, tấm gương, tình cảm, sự nỗ lực không mệt mỏi của những người như anh Nguyễn Xuân Thắng, anh Lâm Hồng Tiên và những người tình nguyện khác cộng tác cùng các anh thật đáng ghi nhận, trân trọng và cần tiếp tục được nhân lên và lan tỏa, đây cũng là những hành động thiết thực, là lẽ sống, lẽ phải, nghĩa cử cao đẹp của thế hệ sau đối với những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng, hy sinh để Tổ quốc được độc lập, giang sơn được vẹn toàn; đất được và dân tộc mãi mãi trường tồn, ấm no, tự do và hạnh phúc, vững bước đi lên, tiến cùng thời đại trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển./.

Nguồn: Nguyễn Hoàng – Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan