Quá trình xây dựng, phát triển và định hướng hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản

Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản tại Việt Nam được chính thức vận hành từ năm 2002. Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản đã phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay để sản xuất, kinh doanh hoặc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản đã thực hiện việc chuyển dịch từ đăng ký bằng phương thức truyền thống như trực tiếp, qua đường bưu điện sang đăng ký qua thư điện tử và đăng ký trực tuyến (online), qua đó, tạo bước chuyển mạnh mẽ mang tính đột phá trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng với chi phí thấp.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả khái quát quá trình xây dựng, phát triển Hệ thống đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản (sau đây gọi là Hệ thống đăng ký trực tuyến) và gợi mở định hướng hoàn thiện Hệ thống này trên quan điểm xây dựng hệ thống đăng ký hiện đại, minh bạch, liên thông, dễ tiếp cận theo định hướng của Đảng ta[1], đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

1. Quá trình xây dựng và phát triển Hệ thống đăng ký trực tuyến

1.1. Quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến

Thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc quy phạm hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hành chính, trong đó có việc cung cấp dịch vụ công về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản trên môi trường mạng. Chính vì vậy, Bộ Tư pháp luôn chủ động trong việc tham mưu xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ thể chế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đăng ký và cung cấp thông tin trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản thông qua việc đề xuất Chính phủ ban hành các nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc ban hành các thông tư hướng dẫn theo thẩm quyền. Quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến thể hiện qua các giai đoạn sau đây:

Một là, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc triển khai đăng ký trực tuyến bằng động sản thông qua Hệ thống đăng ký trực tuyến.

Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm (Nghị định số 08/2000/NĐ-CP) là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh chung về hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm. Do Nghị định số 08/2000/NĐ-CP chưa có quy định về đăng ký trực tuyến nên trong giai đoạn đầu hoạt động, Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản được xây dựng với cơ chế giải quyết đối với hồ sơ giấy. Thực tiễn cho thấy, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin bằng bản giấy thường mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của các tổ chức, cá nhân cũng như việc xác định tính minh bạch của tài sản, không bảo đảm sự kịp thời cho các tổ chức cung ứng vốn trong việc tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản trước khi quyết định cho vay vốn. Trên phương diện khác, cơ chế đăng ký trực tiếp qua hồ sơ giấy còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng ký do cán bộ đăng ký tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Trước bối cảnh đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản, từ năm 2010, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 về đăng ký giao dịch bảo đảm (Nghị định số 83/2010/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP, trong đó có một số quy định về đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm[2]. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo nền tảng cho việc triển khai, xây dựng Hệ thống đăng ký trực tuyến. Nhằm hướng dẫn thi hành quy định về đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP trong lĩnh vực động sản, ngày 06/12/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 22/2010/TT-BTP hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án (Thông tư số 22/2010/TT-BTP). Trên cơ sở các quy định pháp luật này, Hệ thống đăng ký trực tuyến được triển khai xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/3/2012.

Hai là, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số.

Chế định đăng ký trực tuyến đối với biện pháp bảo đảm bằng động sản tiếp tục được hoàn thiện tại Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định số 102/2017/NĐ-CP), thay thế Nghị định số 83/2010/NĐ-CP[3], qua đó tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, cá nhân trong thực tiễn hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản.

Nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân[4], đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế số, xã hội số theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt và thực thi hiệu quả chính sách của Chính phủ về tăng cường thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong sự kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu số, các quy định về đăng ký trực tuyến tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định số 99/2022/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP.

Theo đó, nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi số của Đảng và Chính phủ đã được thể chế hóa trong quy định liên quan của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP; bảo đảm xu hướng chú trọng đăng ký trực tuyến, cải tiến quy trình đăng ký, cung cấp thông tin, thuận tiện, khoa học và giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân trong đăng ký, tìm hiểu thông tin về biện pháp bảo đảm như: (i) Phân loại tài khoản đăng ký trực tuyến (tài khoản), bao gồm tài khoản sử dụng thường xuyên với tài khoản sử dụng một lần để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động đăng ký, tìm hiểu thông tin trực tuyến về biện pháp bảo đảm; (ii) Phân định rõ ràng tài khoản được dùng để đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin với mã số sử dụng cơ sở dữ liệu được dùng để tự tra cứu, tìm hiểu thông tin về biện pháp bảo đảm; (iii) Hoàn thiện hơn quy trình đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm; (iv) Hoàn thiện hơn cơ chế cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu, cơ chế cung cấp thông tin giữa cơ quan đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền, trong đó bao gồm cơ chế cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền tự tra cứu, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu, cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm.

1.2. Quá trình xây dựng, phát triển Hệ thống đăng ký trực tuyến và những kết quả đạt được

1.2.1. Quá trình xây dựng và phát triển Hệ thống đăng ký trực tuyến

Ngay từ năm đầu triển khai công tác đăng ký biện pháp bảo đảm (năm 2002), Bộ Tư pháp đã thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản. Tuy hồ sơ yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin vẫn được lập bằng bản giấy, nhưng hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin đã được thực hiện hoàn toàn trên máy tính kết nối mạng nội bộ; nội dung đăng ký đã được số hóa để xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng chung giữa các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản, qua đó tạo tiền đề cho việc xây dựng Hệ thống đăng ký trực tuyến.

Sau khi Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, Thông tư số 22/2010/TT-BTP được ban hành tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tích cực triển khai các hoạt động xây dựng Hệ thống đăng ký trực tuyến và thành quả của sự nỗ lực là ngày 19/3/2012, Hệ thống đã chính thức được đưa vào vận hành. Theo đó, việc nộp hồ sơ đăng ký, giải quyết hồ sơ đăng ký được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống đăng ký trực tuyến, đạt mức độ 3 về dịch vụ công trực tuyến[5].

Có thể nói, hoạt động của Hệ thống đăng ký trực tuyến đã chứng minh được sự ưu việt trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản, góp phần tích cực trong việc lành mạnh hóa và phát triển hơn nữa môi trường đầu tư tại Việt Nam trên cơ sở giảm thiểu thời gian đăng ký, cung cấp thông tin, giúp cho quá trình tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là của doanh nghiệp vừa và nhỏ được thực hiện nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí hơn, khuyến khích sự lưu thông nguồn vốn, giúp thị trường tín dụng hoạt động hiệu quả, an toàn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Sau khi Hệ thống đăng ký trực tuyến đi vào hoạt động, trên cơ sở triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử[6], Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đầu tư, hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản, đồng thời tạo nền tảng phục vụ cho hoạt động phát triển Chính phủ điện tử. Theo đó, Hệ thống đăng ký trực tuyến chính thức triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 4[7] từ ngày 10/7/2017 và là hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 đầu tiên của Bộ Tư pháp, được ghi nhận là một trong 10 sự kiện nổi bật của Bộ Tư pháp năm 2017.

 Với những ưu thế nổi bật, Hệ thống đăng ký trực tuyến đã nhận được được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo sự đột phá trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, về phát triển Chính phủ điện tử[8], Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến để đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra, theo đó, tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản đều được thực hiện trên môi trường mạng, đạt dịch vụ công trực tuyến toàn trình[9] từ ngày 04/10/2021.

Trên cơ sở nhiệm vụ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”[10], Bộ Tư pháp đã khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến để thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc cung cấp dịch vụ công về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản chính thức được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 22/9/2022.

1.2.2. Những kết quả đạt được

a) Về kết quả đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến biện pháp bảo đảm bằng động sản

Với việc bảo đảm yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Hệ thống đăng ký trực tuyến đã góp phần khuyến khích người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận, thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến đối với biện pháp bảo đảm bằng động sản. Số lượng đăng ký, tìm hiểu thông tin qua Hệ thống đăng ký trực tuyến ngày càng tăng, chiếm tỷ lệ ngày càng lớn, thể hiện sự tiếp nhận và mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với Hệ thống đăng ký trực tuyến. Tại thời điểm Hệ thống đăng ký trực tuyến được triển khai (năm 2012), tỷ lệ đăng ký, cung cấp trực tuyến thông tin biện pháp bảo đảm đạt 17,58% tổng số đăng ký, cung cấp thông tin. Đến thời điểm tháng 6/2023, tỷ lệ đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến trên Hệ thống đăng ký trực tuyến đã đạt gần 84% tổng số đăng ký, cung cấp thông tin, với số lượng trên 3.000 yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin, trên 1.200 yêu cầu thông báo việc thế chấp phương tiện giao thông cho cơ quan có thẩm quyền đăng ký phương tiện và trên 20.000 lượt tra cứu, tìm hiểu thông tin mỗi ngày.

Với kết quả đăng ký trực tuyến nêu trên cho thấy, Hệ thống đăng ký trực tuyến đã góp phần quan trọng trong việc giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện hiệu quả, an toàn hơn về quyền tài sản, giao dịch; giảm thiểu rủi ro pháp lý, thúc đẩy giao lưu dân sự, giảm thiểu tranh chấp, qua đó giúp huy động, thúc đẩy được nhiều nguồn lực tài chính vào thị trường, đồng thời tạo nguồn thông tin quan trọng phục vụ quá trình hoạch định chính sách cũng như giải quyết tranh chấp hoặc thực hiện chức năng quản lý nhà nước có liên quan, góp phần vào cải thiện chỉ số hợp đồng khi đánh giá về năng lực cạnh tranh ở Việt Nam.

b) Về xây dựng và phát triển dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản theo mô hình kết nối, chia sẻ

Kể từ thời điểm Hệ thống đăng ký trực tuyến chính thức đi vào vận hành, thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản đã được số hóa tự động trong một cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất. Tổ chức, cá nhân đều có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu để tìm hiểu thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản đã đăng ký. Tiếp tục thực hiện chính sách chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP bổ sung cơ chế bảo đảm việc khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu giữa chính quyền các cấp, thông qua quy định về cung cấp thông tin đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, của người có thẩm quyền để phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án dân sự có liên quan (khoản 2 Điều 53). Đối với đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định cơ chế cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu để cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền tự tra cứu thông tin, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm; cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin về đăng ký thế chấp phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (khoản 4 Điều 53). Đây là nền tảng pháp lý quan trọng trong việc quản lý, quản trị dữ liệu số; cũng như kết nối, chia sẻ dữ liệu số và sử dụng, khai thác dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản.

c) Những lợi ích của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản thông qua Hệ thống đăng ký trực tuyến

Việc xây dựng và vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, cũng như cho cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm, cụ thể:

Về phía người dân và doanh nghiệp, việc thực hiện đăng ký trực tuyến giúp các chủ thể nêu trên dễ dàng tiếp cận và tiết kiệm thời gian, chi phí do có thể trực tiếp truy cập và thực hiện thao tác đăng ký trên Hệ thống đăng ký trực tuyến ở bất kỳ nơi nào có kết nối internet để có kết quả đăng ký ngay lập tức mà không phải chờ đợi và đến trụ sở của cơ quan đăng ký. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng, cơ hội tiếp cận tín dụng nhanh chóng, thuận lợi để mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hệ thống đăng ký trực tuyến giúp cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tra cứu, tìm kiếm thông tin về biện pháp bảo đảm, qua đó xác định được nhanh chóng và chính xác tình trạng pháp lý của động sản trước khi giao kết hợp đồng, đầu tư cho vay vốn.

Về phía cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm, việc vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến giúp giảm thiểu chi phí hành chính, đồng thời hạn chế tối đa khả năng phát sinh các hành vi tiêu cực do trong quá trình giải quyết hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin, cán bộ đăng ký không tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, với những lợi ích do Hệ thống đăng ký trực tuyến đem lại, cơ sở hạ tầng tài chính đã được phát triển hiệu quả hơn, qua đó thúc đẩy các chủ thể tài trợ vốn phát triển các sản phẩm cho vay được bảo đảm bằng động sản.

2. Một số định hướng tiếp tục hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến

Trong giai đoạn trước mắt, trên cơ sở những quy định mới của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, Hệ thống đăng ký trực tuyến cần tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện để bảo đảm phù hợp và thực thi hiệu quả các nội dung mới của Nghị định. Bên cạnh đó, Hệ thống đăng ký trực tuyến cũng cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng tăng cường hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp thông qua các giải pháp như: (i) Xây dựng ứng dụng đa phương tiện trên thiết bị di động để phục vụ việc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản; (ii) Mở rộng thêm các phương thức thanh toán như thanh toán qua các ứng dụng ví điện tử; (iii) Thực hiện tích hợp ký số; (iv) Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về đăng ký biện pháp bảo đảm bao gồm tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia…

Về lâu dài, để bảo đảm thể chế và thiết chế về đăng ký, bao gồm cả đăng ký trực tuyến phát triển toàn diện, đầy đủ và khả thi hơn cần hướng đến giải pháp xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Quá trình triển khai xây dựng và áp dụng các nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm cho thấy, có nhiều vấn đề pháp lý về đăng ký trực tuyến, đặc biệt là việc xây dựng dữ liệu số và cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan đăng ký khác nhau cần phải được quy định trong văn bản luật.

Các chính sách hoàn thiện Hệ thống đăng ký trực tuyến trong đề xuất xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cần dựa trên các nguyên tắc và định hướng lớn sau đây:

Một là, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm; bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể cung ứng vốn, các doanh nghiệp Việt Nam trong các quan hệ thương mại, đầu tư, tín dụng, nhất là các quan hệ bảo đảm xuyên biên giới.

Hai là, minh bạch hóa các thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, góp phần bảo đảm hơn về an toàn pháp lý, hạn chế rủi ro pháp lý, giảm thiểu chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Ba là, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu có tính liên thông, kết nối cao với các hệ thống thông tin khác như hệ thống thông tin quản lý về quyền sử dụng, quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản; hệ thống thông tin của Tòa án, công chứng, ngân hàng…; để phục vụ công tác Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử, thi hành án điện tử và các cơ quan có thẩm quyền khác về tiến hành tố tụng, quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính liên quan.

Bốn là, tăng cường các giải pháp công nghệ trong việc bảo đảm tính bảo mật, an ninh, an toàn thông tin cho Hệ thống đăng ký trực tuyến.

Phạm Tuấn Ngọc

Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp

 

 

[1]. Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xác định một trong các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về sở hữu là: “Hoàn thiện các quy định về đăng ký và giao dịch tài sản; phát triển hệ thống đăng ký minh bạch, liên thông, dễ tiếp cận, nhất là bất động sản”.

[2]. Khoản 4 Điều 16 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ghi nhận một trong các phương thức nộp hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm là gửi qua hệ thống đăng ký trực tuyến. Bên cạnh đó, Chương 2 về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đã dành ra một mục riêng quy định về đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm (Mục 6), với các nội dung về yêu cầu đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm (Điều 38); tài khoản đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm (Điều 39); hoạt động của hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm (Điều 40).

[3]. Nghị định số 102/2017/NĐ-CP kế thừa các quy định về đăng ký trực tuyến của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, đồng thời hoàn thiện một bước các quy định này theo hướng bổ sung các nội dung liên quan như: (i) Mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm (khoản 5 Điều 3); (ii) Nhiệm vụ quản lý thông tin đăng ký trực tuyến của cơ quan đăng ký (điểm e khoản 1 Điều 10); (iii) Thủ tục đăng ký trực tuyến (Điều 56); (iv) Trường hợp hủy kết quả đăng ký trực tuyến do không có giá trị pháp lý (Điều 57); (v) Khôi phục kết quả đăng ký trực tuyến bị hủy không đúng căn cứ theo quy định của pháp luật (Điều 58)…

[4]. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

[5]. Theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó; cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu; cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

[6]. Như:

– Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015;

– Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020;

– Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

[7]. Theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

[8]. Như:

– Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025;

– Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

– Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

– Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày 10/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch “Chuyển đổi số Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

[9]. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng thì dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.

[10]. Được phê duyệt bởi Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

 

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 387), tháng 8/2023)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan