(LSVN) – Bài viết tập trung phân tích quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về các biện pháp khẩn cấp tạm thời; một số vướng mắc, bất cập về vấn đề này trước yêu cầu hội nhập quốc tế và sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, đưa ra một số góp ý nhằm hoàn thiện quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam.
Đặt vấn đề
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời (sau đây viết tắt “biện pháp khẩn cấp tạm thời” là “BPKCTT”) quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (sau đây viết tắt “Bộ luật Tố tụng dân sự” là BLTTDS) là chế định quan trọng mà Tòa án có thể ra quyết định áp dụng để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản; thu thập, bảo vệ chứng cứ; bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án dân sự.

Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, đứng trước kỷ nguyên của sự phát triển mạnh mẽ về khoa học – kỹ thuật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, điều không thể tránh khỏi là những thay đổi cần thiết trong quy định của pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật tố tụng dân sự, trong đó có chế định về BPKCTT nói riêng để góp phần tạo môi trường pháp lý ổn định, tiệm cận với pháp luật quốc tế, gia tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Trước hết, BPKCTT chưa được định nghĩa chính thức trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành (sau đây viết tắt “Bộ luật Tố tụng dân sự” là “BLTTDS”). Tuy nhiên, trong nghiên cứu khoa học pháp lý, BPKCTT được hiểu là biện pháp tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tài sản tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.
Để bảo đảm việc áp dụng BPKCTT được đúng đắn, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành quy định rất chặt chẽ trình tự, thủ tục và điều kiện quyết định áp dụng. BLTTDS năm 2015 quy định các BPKCTT tại Chương VIII, từ Điều 111 đến Điều 142; ngoài ra, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của BLTTDS (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP).
Quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT
Theo quy định tại khoản 1 Điều 111 BLTTDS năm 2015 thì trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT quy định tại Điều 114 của Bộ luật này. Theo đó, các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT gồm có: đương sự (nguyên đơn; bị đơn; hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan); người đại diện hợp pháp của đương sự; cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước. Từ quy định này, thấy rằng BLTTDS hiện hành chỉ quy định trong vụ án dân sự thì các chủ thể nêu trên mới có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT. Ngoài ra, để khẳng định về việc không áp dụng BPKCTT trong giải quyết việc dân sự, tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP quy định: “Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết việc dân sự quy định tại Phần thứ sáu của Bộ luật Tố tụng dân sự”.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 111 BLTTDS năm 2015 nêu trên quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án theo quy định của pháp luật để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có quyền “yêu cầu” Tòa án áp dụng BPKCTT, song Điều 134 Bộ luật này lại quy định nhóm chủ thể này có quyền “kiến nghị” Tòa án áp dụng BPKCTT bằng văn bản. Rõ ràng chưa có sự thống nhất trong hai điều luật. Việc quy định chưa thống nhất này sẽ dẫn đến việc áp dụng trên thực tế bị lúng túng bởi nhóm cơ quan, tổ chức, cá nhân này khi muốn Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT thì không biết sẽ phải làm văn bản là đơn yêu cầu hay là kiến nghị gửi đến Tòa án[1].
Trong quy định về quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT tại khoản 1, khoản 2 Điều 111 BLTTDS năm 2015 cũng thể hiện mục đích, thời điểm yêu cầu áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT, cụ thể:
– Về mục đích yêu cầu áp dụng BPKCTT: Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP giải thích chi tiết các mục đích của việc yêu cầu áp dụng BPKCTT như sau: (i) Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự; (ii) Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được; (iii) Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết; (iv) Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.
– Về thời điểm yêu cầu áp dụng BPKCTT: Theo tinh thần chung của chế định về BPKCTT trong BLTTDS hiện hành thì có hai thời điểm các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKKTT, đó là: thời điểm trong quá trình giải quyết vụ án (có thể hiểu là kể từ thời điểm sau khi đã có thông báo về việc thụ lý vụ án) và trong tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì chủ thể có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án. Từ đây, thấy rằng, thời điểm “sớm nhất” để chủ thể có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT là thời điểm nộp đơn khởi kiện cho Tòa án.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều BPKCTT nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của BLTTDS năm 2015 với các Bộ luật, luật khác có liên quan. Cụ thể, so với BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm một số biện pháp như: Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ, cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình, tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu, bắt giừ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án.
Trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 111, Điều 114 và Điều 135 BLTTDS năm 2015 thì có thể nhóm các BPKCTT thành hai nhóm như sau: (1) Nhóm các BPKCTT mà Tòa án có quyền tự mình áp dụng; (2) Nhóm các BPKCTT Tòa án chỉ áp dụng khi có yêu cầu của chủ thể có quyền.
Thứ nhất, nhóm các BPKCTT mà Tòa án có quyền tự mình áp dụng (trong trường hợp chủ thể có quyền yêu cầu không yêu cầu áp dụng BPKCTT): Điều 135 BLTTDS năm 2015 quy định Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng BPKCTT quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 Bộ luật này trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng BPKCTT. Theo đó, các BPKCTT thuộc nhóm này gồm: (i) Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; (ii) Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; (iii) Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; (iv) Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động; (v) Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động.
Thứ hai, nhóm các BPKCTT mà Tòa án chỉ áp dụng khi có yêu cầu của chủ thẻ có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT: Đương sự; người đại diện hợp pháp của đương sự; cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Điều 187 BLTTDS có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều BPKCTT quy định tại Điều 114 Bộ luật này, tức là, bao gồm cả những biện pháp đã nêu tại nhóm thứ nhất nêu trên và các biện pháp khác như sau: Kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định; cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án; các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định.
Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Nhìn chung, thủ tục áp dụng BPKCTT bao gồm các bước sau: (1) Yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT; (2) Xem xét, giải quyết và ra quyết định áp dụng BPKCTT; (3) Thay đổi, bổ sung, hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT; (4) Khiếu nại, kiến nghị, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT (nếu có).
(1) Yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT: Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 BLTTDS năm 2015, người có quyền yêu cầu phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền về việc muốn yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT. Đơn yêu cầu phải có đầy đủ các nội dung về thông tin của chủ thể yêu cầu, đặc biệt phải tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, lý do cần phải áp dụng BPKCTT, đồng thời phải ghi rõ BPKCTT cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
(2) Xem xét, giải quyết và ra quyết định áp dụng BPKCTT:
(2.1) Thẩm quyền xem xét, giải quyết và ra quyết định áp dụng BPKCTT: Điều 112 BLTTDS năm 2015 phân định thẩm quyền xem xét, giải quyết và ra quyết định áp dụng BPKCTT thành hai trường hợp, trước phiên tòa thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền, tại phiên tòa thì thẩm quyền của Hội đồng xét xử quyết định.
(2.2) Xem xét, giải quyết đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT, buộc thực hiện biện pháp bảo đảm và ra quyết định áp dụng BPKCTT: Sau khi người có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT nộp đơn yêu cầu, Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ án sẽ tiến hành xem xét, giải quyết đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT. Việc xem xét, giải quyết yêu cầu áp dụng BPKCTT được quy định tại các khoản 2, 3 Điều 133 BLTTDS năm 2015. Theo đó, trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 của Bộ luật này thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng BPKCTT; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu. Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Nếu chấp nhận thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng BPKCTT ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 của Bộ luật này. Việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ thời điểm Hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, nhưng người yêu cầu phải xuất trình chứng cứ về việc đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án; nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay tại phòng xử án và ghi vào biên bản phiên tòa. Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng BPKCTT; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.
(3) Thay đổi, bổ sung, hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT: Nếu xét thấy BPKCTT đang được áp dụng không còn phù hợp, cần thiết phải có sự thay đổi hoặc áp dụng bổ sung BPKCTT khác thì theo quy định tại Điều 137 BLTTDS năm 2015, BPKCTT sẽ được thay đổi, bổ sung. Thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung BPKCTT sẽ được thực hiện tương tự như thủ tục quy định tại Điều 133 BLTTDS năm 2015. Bên cạnh đó, hủy bỏ BPKCTT được quy định cụ thể tại Điều 138 BLTTDS năm 2015. Quy định này đã kế thừa về cơ bản quy định tại Điều 122 BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, tuy nhiên, Điều 138 BLTTDS hiện hành đã bổ sung 05 trường hợp hủy bỏ BPKCTT tại các điểm d, đ, e, g, h khoản 1 Điều luật này; ngoài ra, bổ sung quy định tại khoản 3 về thủ tục và chủ thể có thẩm quyền hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT khi đã có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật[2].
(4) Khiếu nại, kiến nghị, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT (nếu có): Điều 140 BLTTDS năm 2015 quy định như sau: “Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc trả lời của Thẩm phán về việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Trách nhiệm bồi thường từ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng
Tuy việc áp dụng BPKCTT là một trong những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và giúp Toà án giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật, tuy nhiên nếu áp dụng BPKCTT không đúng sẽ dẫn đến những thiệt hại cho người bị áp dụng. Do đó, pháp luật đã quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây[3]:
Người yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả nếu yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng, dẫn đến gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba. Mặc dù BLTTDS năm 2015 không quy định cụ thể, tuy nhiên trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện theo quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự, bao gồm các thiệt hại có thể bao gồm thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Tòa án phải bồi thường theo trách nhiệm bồi thường nhà nước nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tòa án tự mình áp dụng BPKCTT; Tòa án áp dụng BPKCTT khác với BPKCTT mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu; Tòa án áp dụng BPKCTT thời vượt quá yêu cầu áp dụng BPKCTT của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tòa án áp dụng BPKCTT không dúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng BPKCTT mà không có lý do chính đáng.
Những yêu cầu đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước yêu cầu hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng và ứng dụng khoa học – kỹ thuật mạnh mẽ của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đứng trước những cơ hội to lớn, song cũng không tránh khỏi những vấn đề thách thức hoặc vướng mắc, bất cập trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng dân sự nói riêng. Chế định BPKCTT cũng không nằm ngoài sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, học viên nhận thấy những vấn đề cần đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật về áp dụng BPKCTT trước yêu cầu hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 như sau:
Thứ nhất, về thời điểm yêu cầu áp dụng BPKCTT theo BLTTDS hiện hành của Việt Nam chưa bảo đảm sự tương thích với pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới, có thể kể đến điển hình là Mỹ, Pháp, Trung Quốc; và chưa bảo đảm tính phù hợp với một số văn bản pháp lý quốc tế khác mà Việt Nam tham gia ký kết. Cụ thể: (i) Theo pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới, có thể kể đến điển hình là Mỹ, Pháp, Trung Quốc thì thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp có thể áp dụng trước khi khởi kiện hoặc trong quá trình Tòa án giải quyết một vụ kiện chính hoặc có thể được áp dụng một cách hoàn toàn độc lập[4]; (ii) Mặt khác, tại Hiệp định TRIPS, Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (Việt Nam cũng tham gia ký kết) thì có quy định về áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện, song khi đối chiếu vào các quy định thuộc chế định BPKCTT trong BLTTDS năm 2015 thì không khó để nhận thấy sự không tương thích về thời điểm yêu cầu áp dụng các biện pháp này giữa BLTTDS hiện hành của Việt Nam với một số văn bản pháp lý quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc là thành viên.
Thứ hai, cần xem xét sửa và bổ sung quy định của BLTTDS năm 2015 về thủ tục làm đơn, gửi đơn và chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT thực hiện bằng phương tiện điện tử: Ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ đã được ngành Tòa án quan tâm, chú trọng trong thời gian gần đây. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 01/2020/CT-CA của Chánh án TANDTC về “Ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới xây dựng Tòa án điện tử gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án”[5]; Mặt khác, trong Báo cáo số 17/BC-TANDTC ngày 09 tháng 07 năm 2021 về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án và định hướng xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã nhận định xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới[6]. Từ sau khi BLTTDS năm 2015 được ban hành, ngày 30/12/2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử để tạo điều kiện vận dụng tối đa sự linh hoạt của phương thức này trong giải quyết vụ án dân sự. Do đó, đối với thủ tục làm đơn, gửi đơn và chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT cũng có thể xem xét để vận dụng phương thức điện tử tương tự tại Nghị quyết nêu trên.
Thứ ba, như đã phân tích, trong một số quy định của BLTTDS năm 2015 còn tồn tại một số vướng mắc, hạn chế liên quan đến kỹ thuật lập pháp, cụ thể, một số vấn đề như sau: Khoản 1 Điều 111 BLTTDS năm 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án theo quy định của pháp luật để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có quyền “yêu cầu” Tòa án áp dụng BPKCTT, song Điều 134 Bộ luật này lại quy định nhóm chủ thể này có quyền “kiến nghị” Tòa án áp dụng BPKCTT bằng văn bản. Do vậy, cần thiết phải sửa Điều 134 BLTTDS năm 2015 để quy định thống nhất quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT của nhóm chủ thể này.
Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về biện pháp khẩn cấp tạm thời
Trên cơ sở một số vướng mắc, bất cập và đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện nêu trên, nhóm tác giả đề xuất hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về BPKCTT như sau:
Thứ nhất, về thời điểm yêu cầu áp dụng BPKCTT theo BLTTDS hiện hành nên sửa đổi, bổ sung trường hợp chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT trước thời điểm khởi kiện nhưng phải bảo đảm tính khẩn cấp, hoặc cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu không áp dụng kịp thời, song vẫn cần đánh giá sự phù hợp của BPKCTT được yêu cầu áp dụng với thực tiễn tình trạng đối tượng tranh chấp trong vụ án dân sự thông qua những tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc yêu cầu áp dụng có có căn cứ.
Thứ hai, cần xem xét sửa và bổ sung quy định của BLTTDS năm 2015 về thủ tục làm đơn, gửi đơn và chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT thực hiện bằng phương tiện điện tử tương tự đối với thủ tục, trình tự được quy định tại Nghị quyết số số 04/2016/NQ-HĐTP nêu trên hoặc theo tinh thần chung của nghị quyết này để đơn giản hóa thủ tục yêu cầu áp dụng BPKCTT của chủ thể có quyền yêu cầu áp dụng.
Thứ ba, hoàn thiện và đồng bộ một số quy định chưa thống nhất liên quan đến kỹ thuật lập pháp như: Sửa đổi Điều 134 BLTTDS năm 2015 là “Yêu cầu áp dụng BPKCTT của cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”; xem xét thời hạn ra quyết định áp dụng BPKCTT – để bảo đảm tính nhanh chóng, kịp thời, thời hạn ra quyết định áp dụng BPKCTT tại khoản 2 Điều 133 BLTTDS năm 2015 có thể rút ngắn hơn so với thực trạng luật quy định hiện nay là “trong thời hạn 3 ngày”,…
Kết luận
Nói tóm lại, trước sự tác động mạnh mẽ của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, pháp luật tố tụng dân sự, trong đó, các BPKCTT cũng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với những cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các văn bản pháp lý song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là yếu tố cần được chú trọng để rút ngắn thời gian trong thủ tục áp dụng các biện pháp này nhằm giảm thiểu các chi phí so với thủ tục trực tiếp. Tuy nhiên, trong sự hội nhập quốc tế và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng cần xem xét đến sự phù hợp với các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong nước để đạt được hiệu quả cao, tránh việc thay đổi quá khác biệt so với “truyền thống lập pháp” mà xa rời thực tiễn dẫn đến hệ lụy tiêu cực đối với quá trình thực hiện pháp luật về BPKCTT.
Nguồn: Luật sư BÙI THỊ THƯƠNG – PHÙNG THỊ PHƯƠNG THẢO (Văn phòng Luật sư ATK) – Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam
(1) Trần Phương Thảo, “Biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”, Tạp chí Luật học số 2/2017, tr. 49.
(2) Trần Anh Tuấn (Chủ biên) (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 333 – 334.
(3) Khoản 2 và 3 Điều 17 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP.
(4) Xem: Điều 13, Chương II; Điều 4, Chương IV Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ ngày 13/7/2000; Jean Vincent et Serge Guinchard, “Procédure civile Droit interne et droit communautaire”, Nxb. DALLOZ, 2006, tr. 314, 758, 768, 769; Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
(5) Chỉ thị số 01/2020/CT-CA ngày 09/01/2020 về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các Toà án.
(6) Báo cáo số 17/BC-TANDTC ngày 09 tháng 07 năm 2021 về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án và định hướng xây dựng Tòa án điện tử Tại Hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” ngày 14 tháng 7 năm 2021, tr.2.
Để lại một bình luận