(LSVN) – Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại Kỳ họp thứ 10, Chính phủ dự kiến trình 90 nội dung – một khối lượng công việc rất lớn. Trong đó, ngoài 06 luật đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, còn 30 luật sẽ trình Quốc hội thông qua, tổng là 36 luật.
Đây là thông tin được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đưa ra khi phát biểu kết luận Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/7.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025; cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 03 Nghị quyết: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027; phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 và nguồn tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng thời, tiến hành tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6 năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.
Đánh giá phiên họp đã được các cơ quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, tích cực, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên họp cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa cho Kỳ họp thứ 10. Qua đó, khẳng định sự chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, tại Kỳ họp thứ 10, Chính phủ dự kiến trình 90 nội dung – một khối lượng công việc rất lớn. Trong đó, ngoài 06 luật đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, còn 30 luật sẽ trình Quốc hội thông qua, tổng là 36 luật.
Để Kỳ họp cuối nhiệm kỳ diễn ra chu đáo, chất lượng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực, các cơ quan chủ động rà soát tổng thể nội dung, đề xuất và hoàn tất tài liệu đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hạn chế tối đa việc bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung sát kỳ họp hay trong thời gian diễn ra kỳ họp.
Nhấn mạnh khối lượng công việc trong Chương trình công tác quý III và các phiên họp tháng 8, 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương chuẩn bị.
Theo đó, thời gian tới, ngoài phiên họp thường kỳ, có thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải bố trí các phiên họp khác đầu tháng 8, hoặc cuối tháng 8; không tổ chức chất vấn tại phiên họp tháng 8 để các cơ quan tập trung các nội dung lập pháp và tổng kết nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng báo cáo công tác nhiệm kỳ của cơ quan mình, gửi sớm tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 8/2025; tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, dành ưu tiên cao nhất cho công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 10.
Nguồn: Trần Quân – Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam
Để lại một bình luận