(LSVN) – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 27/6/2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2025 đã sửa đổi, bổ sung Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử của Tòa án.
Theo đó, TAND khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đến 20 năm tù.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm những vụ án:
– Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của TAND khu vực;
– Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAND khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; vụ án mà khi xử lý có ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại; vụ án mà người phạm tội là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc thiểu số.
Chánh án TAND Tối cao chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chi tiết điểm này.
TAQS khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ tội phạm, vụ án:
– Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
– Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
– Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật Hình sự;
– Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài.
TAQS cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:
– Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của TAQS khu vực;
– Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh, Trung đoàn trưởng và tương đương trở lên, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc thiểu số.
Nguồn: Văn Quang – Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam
Để lại một bình luận