Tìm hiểu về tội ‘Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy’

(LSVN) – Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác buộc họ sử dụng trái phép chất ma tuý trái với ý muốn của họ. Tội phạm xâm phạm quyền tự do và sức khoẻ của con người, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và lan truyền tê nạn nghiện ma tuý. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích một số quy định còn vướng mắc, bất cập về loại tội phạm này quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự (BLHS), qua đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Quy định của pháp luật

Điều 257 BLHS quy định về tội “Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy” như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;

d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Đối với người đang cai nghiện;

h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên; c) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo quy định trên, mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, thể hiện qua 03 hành vi:

Thứ nhất, hành vi dùng vũ lực: Đánh đập, trói, khống chế… ép buộc nạn nhân sử dụng ma túy.

Thứ hai, hành vi đe dọa dùng vũ lực: Đưa ra lời đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi mà buộc phải sử dụng ma túy.

Thứ ba, hành vi khác mang tính cưỡng ép: Gây sức ép tâm lý, đe dọa tinh thần hoặc lợi dụng sự lệ thuộc để ép buộc nạn nhân.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Điểm mới so với Điều 200 BLHS năm 1999: BLHS năm 2015 tách Điều 200 BLHS năm 1999 thành 02 tội độc lập. Sửa điểm b quy định cụ thể “phạm tội nhiều lần” là “phạm tội 02 lần trở lên”; điểm e “đối với nhiều người” là “đối với 02 người trở lên”; điểm c bổ sung thêm tình tiết “hoặc vì tư lợi”. Điểm d quy định cụ thể “đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên” là “đối với người người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi”. Khoản 3 sửa điểm b quy định “gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người” thành “gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên”; bỏ tình tiết “hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác”.

So với Điều 200 BLHS năm 1999 thì Điều 257 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định cụ thể hơn về cấu thành loại tội này cũng như quy định cụ thể về các tình tiết tăng nặng định khung bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn.

Một số vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, áp dụng tình tiết định khung tăng nặng hình phạt theo điểm đ khoản 2 “Đối với phụ nữ mà biết là có thai”

Để biết một người phụ nữ có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của bác sỹ chuyên khoa hoặc kết luận của trung tâm y tế có thẩm quyền.

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 257 BLHS, đối với nạn nhân là phụ nữ có thai, điều kiện đặt ra đó là chỉ khi người phạm tội biết chính xác người đó có thai mới thuộc trường hợp áp dụng tình tiết tăng nặng định khung hình phạt, nếu người phạm tội không biết người phụ nữ đó có thai thì hành vi cưỡng bức làm người phụ nữ đó phải sử dụng trái phép chất ma túy không có cơ sở để áp dụng. Phân tích thêm chúng ta có thể thấy, giả sử trong trường hợp người phạm tội cưỡng bức làm người phụ nữ có thai dẫn đến việc xảy thai nếu không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung theo điểm đ khoản 2 Điều 257 BLHS là không phù hợp. Phụ nữ có thai là một trong những đối tượng được pháp luật bảo vệ đặc biệt, xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền của người phụ nữ và trẻ em theo quy định của pháp luật; xuất phát từ tính chất và mức độ nguy hiểm của loại tội này, tác giả thấy rằng điểm đ, khoản 2, Điều 257 BLHS chỉ nên quy định “đối với phụ nữ có thai”.

Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng có thể quy định thêm các đối tượng khác cũng thuộc trường hợp này áp dụng tình tiết tăng nặng định khung đối với người phạm tội như “phạm tội đối với người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng” sẽ bảo đảm đầy đủ hơn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, răn đe, phòng ngừa tội phạm. Bởi lẽ, nhóm các đối tượng này là những người yếu thế trong xã hội, họ hạn chế hoặc không có khả năng để chống cự lại hành vi của người phạm tội.

Thứ hai, về hình phạt áp dụng

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 257 BLHS sẽ bị xử phạt tối thiểu là 02 năm tù, tối đa 07 năm tù. Theo quan điểm của tác giả, khoảng cách hình phạt này là rộng dễ dẫn đến sự tùy nghi, tùy tiện trong áp dụng pháp luật.

Mặc dù, quy định này không phải là vướng mắc khi áp dụng. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu lý luận tác giả thấy rằng, về khoảng cách hình phạt áp dụng đối với người phạm tội thuộc khoản 1 Điều 257 BLHS từ 02 đến 07 năm là chưa phù hợp dẫn đến việc áp dụng pháp luật mang tính tùy nghi không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương khác nhau.

Để hạn chế bất cập nêu trên của BLHS về hình phạt tù có thời hạn tại khoản 1 Điều 257 BLHS thì quy định này cần được nghiên cứu sửa đổi theo hướng: Cần nghiên cứu rút ngắn khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của khung hình phạt tại khoản 1 Điều 257 BLHS. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội, yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, tỉ lệ tăng (hoặc giảm) của tội phạm trên thực tế… Xét về tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các nhóm tội có khung hình phạt cao nhất theo quy định của BLHS. Tội phạm không chỉ xâm phạm quyền tự do và sức khoẻ của con người, duy trì nòi giống … mà còn ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và lan truyền tê nạn nghiện ma tuý.

Liên quan đến hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, khoản 5 Điều 257 BLHS quy định “người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”. Như tác giả đã phân tích ở trên, xuất phát từ tính chất và mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này cần tăng cường áp dụng hình phạt tiền ở mức cao hơn mức tối thiểu khoản 5 Điều 257 BLHS quy định, có thể phạt tối thiểu từ 30.000.000 đồng trở lên.

Kiến nghị

Để pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, trên cơ sở nguyên tắc “nghiêm trị nhưng vẫn có sự khoan hồng” đối với người phạm tội và ngược lại, khắc phục trường hợp bỏ lọt tội phạm do các quy định của pháp luật chưa đầy đủ, nhằm bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất. Trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 257 về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy đầy đủ hơn: Có thể sửa đổi tình tiết định khung tăng nặng phạm tội “đối với phụ nữ mà biết là có thai” theo điểm đ khoản 2 thành “đối với phụ nữ có thai”; bổ sung thêm các đối tượng khác cũng thuộc trường hợp áp dụng điểm đ khoản 2 như “phạm tội đối với người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm có thể nghiên cứu thu hẹp khoảng cách hình phạt áp dụng theo khoản 1 và khoản 5 Điều 257 BLHS.

Nguồn: PHÙNG HOÀNG – Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 1 – Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan