Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý báo cáo công tác chuẩn bị để tổ chức Hội thảo. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lên kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đổi mới tư duy xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, dự kiến tổ chức vào ngày 06/3/2025.
Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện đầy đủ bối cảnh, yêu cầu, tính cấp thiết và giải pháp đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật theo hướng “vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”; “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước” trong kỷ nguyên mới. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của các ban, bộ, ngành trung ương cũng như của địa phương và cộng đồng, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, luật sư, doanh nhân, các cơ quan, hiệp hội, tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, với tổng cộng hơn 60 chuyên đề, bài tham luận được gửi tới Ban tổ chức.
Nội dung của Hội thảo sẽ tập trung làm rõ một số điểm chính như: (i) nhận diện đầy đủ bối cảnh, các yêu cầu đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; (ii) nhận diện đầy đủ nội hàm của đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; (iii) đánh giá tiền đề, mức độ đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong từng lĩnh vực của hệ thống pháp luật theo đúng định hướng đã được xác định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; (iv) đề xuất các giải pháp, cách thức thực hiện việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong từng lĩnh vực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đồng chí Lê Thu Anh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thu Anh, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho rằng, trong kỷ nguyên mới của dân tộc thì không thể thiếu vấn đề về chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong tất cả các lĩnh vực để đất nước phát triển giàu mạnh và hùng cường. Chính vì vậy đồng chí đề nghị cần đưa thêm tham luận về chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật vào chương trình của Hội thảo. Liên quan đến công tác truyền thông, đồng chí cho rằng các cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng khá nhiều tuyến tin, bài về đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, số lượng tin, bài này vẫn còn tản mát, vì vậy, đồng chí đề nghị giao nhiệm vụ truyền thông của Hội thảo cho Văn phòng Bộ chủ trì xây dựng kế hoạch truyền thông, trong đó sẽ có sự phân công rất cụ thể đối với các cơ quan báo chí của Bộ, ngành Tư pháp để từ đó tăng cường cơ chế kiểm soát và báo cáo kết quả truyền thông với Lãnh đạo Bộ sau khi Hội thảo kết thúc. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị sử dụng tài liệu điện tử thay vì tài liệu giấy để phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số và tránh lãng phí.
Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng tình với ý kiến trên, đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho biết nhiệm vụ truyền thông trước, trong và sau Hội thảo cần được tổ chức, lên kế hoạch một cách khoa học và bài bản. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị Văn phòng Bộ phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương để quán triệt các nhiệm vụ truyền thông trong các cuộc họp giao ban báo chí hàng tháng, điều này sẽ giúp công tác truyền thông về Hội thảo đạt được hiệu quả cao hơn. Về nội dung trình bày của Hội thảo, đồng chí cho rằng thời gian của Hội thảo chỉ diễn ra trong vòng một buổi sáng là rất ngắn, vì vậy, cần tăng thời gian thảo luận của Hội thảo để có thể tăng được số lượng ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự. Tổng Biên tập Tạp chí cũng đề nghị mở rộng đối tượng tham luận tại Hội thảo, “đặt hàng” các doanh nghiệp, luật sư, các cơ quan giải quyết tranh chấp để thảo luận vì các đơn vị này sẽ nêu được các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật từ đó thấy được nhu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao Văn phòng Bộ chủ trì xây dựng kế hoạch truyền thông, phối hợp với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam chủ động trong công tác truyền thông trước, trong và sau Hội thảo bảo đảm đúng định hướng và đạt được sự lan tỏa cao. Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cần phối hợp với Văn phòng Bộ chuẩn bị công tác hậu cần thật chu đáo, bảo đảm tiết kiệm chi phí, hiệu quả. Đặc biệt, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cần phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chuẩn bị thật kỹ nội dung Hội thảo, mời các đại biểu đến từ Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn,… có năng lực, uy tín tham dự, phát biểu để Hội thảo đạt chất lượng./.
Nguồn: Hoàng Trung – Tạp chí Dân chủ và Pháp Luật
Để lại một bình luận